Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                

Wikipedia:Quyền tác giả

(Đổi hướng từ Wikipedia:Bản quyền)

Thông báo quan trọng: Wikimedia Foundation không sở hữu bản quyền nội dung văn bản và các minh họa tại bài viết Wikipedia. Do đó sẽ là vô ích nếu bạn gửi thư đến địa chỉ liên lạc của chúng tôi để xin quyền tái sử dụng và sửa đổi bài viết hoặc hình ảnh, thậm chí nếu quy định tại công ty, trường học hoặc tổ chức của bạn bắt buộc phải hỏi người điều hành trang web trước khi sao chép nội dung của họ.

Nội dung duy nhất trên Wikipedia mà bạn cần phải liên hệ với Wikimedia Foundation để xin phép là các biểu trưng Wikipedia/Wikimedia đã được đăng ký thương hiệu, không được sử dụng một cách tự do nếu chưa có sự cho phép.

Quyền tái tạo và chỉnh sửa văn bản trên Wikipedia đã được các tác giả của từng bài viết trao cho bất cứ ai tại bất kỳ đâu miễn là việc tái tạo và chỉnh sửa đó phù hợp với các điều khoản cấp phép (xem phía dưới để biết các điều khoản cụ thể). Hình ảnh có thể có hoặc không cho phép tái sử dụng và chỉnh sửa; các điều kiện tái sử dụng cần được kiểm tra trên từng hình một. Ngoại lệ duy nhất là những trường hợp trong đó biên tập viên đã vi phạm quy định Wikipedia bằng cách tải lên những nội dung có bản quyền nhưng chưa được cho phép, hoặc theo những điều khoản bản quyền không tương thích với những điều khoản mà các tác giả tại Wikipedia đã áp dụng cho toàn bộ nội dung còn lại của Wikipedia. Tuy những nội dung như vậy có tồn tại trên Wikipedia (trước khi chúng bị phát hiện và xóa đi), vẫn sẽ là vi phạm bản quyền nếu bạn sao chép nó. Để được phép sử dụng nó, bạn phải liên lạc với chủ sở hữu bản quyền của văn bản hoặc minh họa đang xét; thông thường, nhưng không phải luôn luôn, đó sẽ là tác giả gốc.

Nếu bạn muốn dùng lại nội dung từ Wikipedia, đầu tiên hãy đọc đề mục Quyền và nghĩa vụ của người tái sử dụng. Sau đó bạn nên đọc Giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 Quốc tếGiấy phép Tài liệu Tự do GNU.

Nội dung văn bản của Wikipedia được những người đóng góp và biên tập viên Wikipedia giữ bản quyền (một cách tự động, theo Công ước Berne) và được cấp phép chính thức cho công chúng theo một hoặc một vài giấy phép tự do. Phần lớn văn bản của Wikipedia và nhiều hình ảnh tại đây được cấp phép kép theo Giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 Quốc tế (CC BY-SA) và Giấy phép Tài liệu Tự do GNU (GFDL) (không cố định phiên bản, không có phần bất biến, văn bản bìa trước, hoặc văn bản bìa sau). Một vài nội dung văn bản được nhập vào chỉ theo giấy phép CC BY-SA và một giấy phép tương thích với CC BY-SA và không thể tái sử dụng theo GFDL; những văn bản như vậy sẽ được ghi rõ tại phần cuối trang, trong lịch sử trang hoặc tại trang thảo luận của bài viết có sử dụng văn bản đó. Mỗi hình ảnh đều có một trang miêu tả ghi rõ giấy phép mà nó được phát hành hoặc, nếu nó không tự do, sẽ là lời tuyên bố cơ sở hợp lý tại sao nó lại được sử dụng.

Giấy phép mà Wikipedia sử dụng để trao quyền truy cập miễn phí nội dung của chúng tôi có cùng triết lý với phần mềm tự do được cấp phép tự do. Nội dung Wikipedia có thể được sao chép, chỉnh sửa, và tái phân phối nếu và chỉ nếu phiên bản được sao chép cũng trao quyền tự do y hệt cho người khác và ghi công các tác giả của bài viết Wikipedia được sử dụng (một liên kết trực tiếp đến bài viết đại thể sẽ thỏa mãn yêu cầu ghi công; xem bên dưới để biết thêm chi tiết). Nội dung sao chép từ Wikipedia đến lượt nó vẫn tiếp tục tự do theo giấy phép thích hợp và mọi người có thể sử dụng, miễn là tuân theo một số ràng buộc nhất định, mà đa phần các ràng buộc là nhằm đảm bảo sự tự do mà thôi. Triết lý này được biết đến với tên gọi copyleft tương phản với các giấy phép bản quyền (copyright) thông thường.

Tóm lại,

  • Cho phép sao chép, phân phối, và/hoặc sửa đổi tài liệu của Wikipedia theo những điều khoản của Giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 Quốc tế và, nếu không được ghi chú khác, Giấy phép Tài liệu Tự do GNU không cố định phiên bản, không có phần bất biến, văn bản bìa trước, hoặc văn bản bìa sau.
  • Một bản sao Giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 Quốc tế được kèm theo, bản sao này nằm trong đề mục có tên "Giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 Quốc tế".
  • Một bản sao Giấy phép Tài liệu Tự do GNU được kèm theo, bản sao này nằm trong đề mục có tên "Giấy phép Tài liệu Tự do GNU".
  • Nội dung tại Wikipedia lệ thuộc vào lời phủ nhận.

Nguyên văn bằng tiếng Anh của các giấy phép CC BY-SA và GFDL là tài liệu hợp pháp duy nhất ràng buộc giữa tác giả và người dùng nội dung Wikipedia. Những gì tiếp theo sau đây là sự diễn dịch giấy phép CC BY-SA và GFDL của chúng tôi, vì nó gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của người dùng và người đóng góp.

Quyền và nghĩa vụ của người đóng góp

Nếu bạn trực tiếp đóng góp nội dung vào Wikipedia, từ lúc đó bạn sẽ phải cấp phép nội dung đó cho công chúng tái sử dụng theo giấy phép CC BY-SA và GFDL (không cố định phiên bản, không có phần bất biến, văn bản bìa trước, hoặc văn bản bìa sau). Các tập tin phương tiện phi văn bản có thể được đóng góp theo các giấy phép khác nhau dùng để hỗ trợ mục tiêu chung là cho phép tái sử dụng và tái phân phối không hạn chế. Xem Hướng dẫn cho hình ảnh và các tập tin phương tiện khác, bên dưới.

Nếu bạn muốn nhập khẩu (tích hợp) văn bản mà bạn tìm thấy ở nơi khác hoặc văn bản bạn đồng tác giả với những người khác, bạn chỉ có thể làm vậy nếu nó được phát hành theo những điều khoản tương thích với giấy phép CC BY-SA. Bạn không cần phải chắc chắn hoặc đảm bảo rằng văn bản được nhập khẩu cũng phát hành theo Giấy phép Tài liệu Tự do GNU, trừ phi bạn chính là tác giả duy nhất của văn bản đó. Ngoài ra, cần chú ý là bạn không thể nhập khẩu thông tin chỉ được phát hành theo giấy phép GFDL. Nói cách khác, bạn chỉ có thể nhập khẩu văn bản đã được (a) cấp phép đơn chỉ theo các điều khoản tương thích với giấy phép CC BY-SA hoặc (b) cấp phép kép với GFDL và một giấy phép khác có điều khoản tương thích với giấy phép CC BY-SA. Nếu bạn là tác giả duy nhất của tài liệu, bạn phải cấp phép nó theo cả hai giấy phép CC BY-SA và GFDL.

Nếu nội dung, bằng văn bản hoặc phương tiện, trước đây đã được phát hành rồi và bạn muốn hiến tặng nó cho Wikipedia theo giấy phép phù hợp, bạn sẽ cần phải xác nhận sự cấp phép bản quyền theo một trong những quy trình sẵn có. Xem Wikipedia:Hiến các tài liệu có bản quyền để biết thêm chi tiết. Nếu bạn không phải là người giữ bản quyền, bạn sẽ vẫn cần phải xác nhận sự cấp phép bản quyền; xem mục Sử dụng tác phẩm do người khác giữ bản quyền bên dưới.

Bạn vẫn giữ bản quyền cho nội dung mà bạn đóng góp vào Wikipedia, kể cả văn bản và phương tiện. Bản quyền không bao giờ được chuyển sang cho Wikipedia. Sau này bạn có thể tái phát hành và tái cấp phép cho chúng theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Tuy nhiên, bạn không thể rút lại hoặc thay đổi giấy phép đối với bản sao của nội dung mà bạn đã đặt tại đây; những bản sao này vẫn được cấp phép như thế cho đến khi chúng thuộc về phạm vi công cộng do quyền tác giả của bạn đối với chúng đã hết hạn (hiện nay là vài thập kỷ sau khi tác giả mất).

Sử dụng tác phẩm do người khác giữ bản quyền

Tất cả các tác phẩm đều được giữ bản quyền, theo thỏa thuận quốc tế, trừ khi chúng hoặc đã thuộc phạm vi công cộng, hoặc tác quyền của chúng được từ bỏ rõ ràng. Nói chung, Wikipedia phải có quyền sử dụng các tác phẩm có bản quyền. Có một số trường hợp các tác phẩm có bản quyền có thể được sử dụng một cách hợp pháp mà không cần phải xin phép; xem Wikipedia:Nội dung không tự do để biết các chi tiết cụ thể về khi nào thì sử dụng nội dung như vậy và phải sử dụng ra sao. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là phải có thể tái phân phối nội dung của Wikipedia một cách càng tự do càng tốt, do đó các hình ảnh và tập tin âm thanh gốc được cấp phép theo CC BY-SA và GFDL (không cố định phiên bản, không có phần bất biến, văn bản bìa trước, hoặc văn bản bìa sau) hoặc thuộc về phạm vi công cộng sẽ được ưu tiên hơn hẳn so với các tập tin phương tiện được giữ bản quyền và sử dụng theo thuyết sử dụng hợp lý hoặc cách thức khác.

Nếu bạn muốn nhập phương tiện (kể cả văn bản) mà bạn tìm thấy ở nơi nào khác, và nó không phù hợp với quy định và hướng dẫn về nội dung không tự do, bạn chỉ có thể làm vậy nếu nó thuộc phạm vi công cộng hoặc được phát hành theo giấy phép tương thích với giấy phép CC BY-SA. Nếu bạn nhập phương tiện theo một giấy phép tương thích đòi hỏi phải ghi công, bạn phải, theo một cách thích hợp, ghi lại tên (các) tác giả. Trong phần lớn trường hợp bạn cũng phải xác nhận rằng tài liệu đó đã được cấp phép một cách tương thích hoặc thuộc phạm vi công cộng. Nếu nguồn phát hành nguyên thủy có chứa một lời phủ định bản quyền hoặc có chỉ rõ rằng nội dung được tự do sử dụng, một liên kết đến nó tại trang miêu tả tập tin phương tiện hoặc trang thảo luận bài viết có thể sẽ thỏa mãn đòi hỏi này. Nếu bạn có được sự cho phép đặc biệt để sử dụng một tác phẩm có bản quyền từ người giữ bản quyền theo các điều khoản tương thích, bạn phải ghi chú điều đó (cùng với tên và ngày tháng tương ứng) và xác nhận nó thông qua một trong những quy trình đã có. Xem Wikipedia:Xin cấp phép bản quyền để biết quy trình hỏi xin người giữ bản quyền trao cho một giấy phép có thể sử dụng được cho tác phẩm của họ và để xem quy trình xác nhận rằng giấy phép đã được trao. Bảng dưới đây giúp hệ thống hóa những văn bản được cấp theo giấy phép nào thì có khả năng nhập vào Wikipedia nhờ khả năng tương thích.

Bản quyền văn bản Wikipedia
Giấy phép tương thích với Wikipedia Giấy phép không tương thích với Wikipedia
Giấy phép Creative Commons
(không tính CC-Zero do đã thuộc phạm vi công cộng)
CC BY (mọi phiên bản) CC BY-NC-ND
CC BY-SA 1.0, 2.0, 2.5, 3.0, 4.0 CC BY-NC
CC BY-ND
CC BY-NC-SA
Giấy phép khác
GFDL kết hợp CC BY hoặc CC BY-SA Chỉ duy nhất một giấy phép GNU bất kỳ (bao gồm GFDL)
(vẫn đủ tự do với tập tin phương tiện)

Không bao giờ sử dụng những tài liệu vi phạm bản quyền của người khác. Điều này có phát sinh nguy cơ pháp lý và gây tổn hại nghiêm trọng cho Wikipedia. Nếu còn nghi ngờ, hãy tự mình viết nội dung đó, từ đó tạo ra một tác phẩm có bản quyền mới để có thể đưa vào Wikipedia mà không có rắc rối gì.

Chú ý rằng luật bản quyền điều chỉnh cách diễn đạt sáng tạo của ý tưởng, chứ không phải bản thân ý tưởng hoặc thông tin. Do đó, sẽ là hợp pháp nếu đọc một bài viết bách khoa toàn thư hoặc tác phẩm khác, diễn đạt lại các ý tưởng theo cách của mình, rồi đăng nó lên Wikipedia, miễn là bạn không theo quá sát văn bản gốc. Tuy nhiên, nó sẽ vẫn là thiếu đạo đức (nhưng không bất hợp pháp) khi làm vậy mà lại không ghi chú lại nguồn gốc làm nguồn tham khảo (xem hướng dẫn về đạo văn).

Liên kết đến các tác phẩm được giữ bản quyền

Vì đa số các tác phẩm được tạo ra gần đây đều được giữ bản quyền, hầu hết bài viết Wikipedia có chú thích nguồn gốc sẽ liên kết đến nội dung đã được giữ bản quyền. Không cần thiết phải có được sự cho phép của người giữ bản quyền trước khi liên kết đến một nội dung được giữ bản quyền, cũng giống như tác giả một cuốn sách không cần phải có lời cho phép mới được chú thích tác phẩm của người khác trong phần thư mục học. Tương tự như vậy, Wikipedia không giới hạn việc liên kết phải gói gọn trong các nội dung tự do theo CC BY-SA hoặc nội dung nguồn mở.

Tuy nhiên, nếu bạn biết được rằng một Trang Web bên ngoài đang chứa một tác phẩm và đang vi phạm bản quyền của người tạo ra nó, đừng đặt liên kết đến bản sao đó của tác phẩm. Ví dụ: đừng để lại một liên kết đến một trang web lưu trữ lời (ca từ) của nhiều bài hát thịnh hành khác nhau mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền các bài hát đó. Hướng dẫn người khác một cách có ý thức và cố tình đến một trang vi phạm bản quyền được xem là một dạng đồng lõa tại Hoa Kỳ (vụ kiện giữa Intellectual Reserve và Utah Lighthouse Ministry [1]). Liên kết đến một trang đang phân phối bất hợp pháp tác phẩm của người khác sẽ làm giảm uy tín của Wikipedia và các biên tập viên của Wikipedia. Tuy nhiên, tình trạng bản quyền của các bản lưu Internet tại Hoa Kỳ vẫn còn chưa rõ ràng. Hiện có thể chấp nhận được việc liên kết đến các bản lưu Internet như Wayback Machine, chuyên lưu giữ những bản sao chưa sửa đổi của các trang web được lấy tại vài thời điểm khác nhau. Tại các bài viết về một website nào đó, có thể chấp nhận ghi một liên kết đến website đó thậm chí có thể tồn tại sự vi phạm bản quyền ở đâu đó tại website đó.

Ngữ cảnh cũng rất quan trọng; có thể chấp nhận được nếu liên kết đến một bài bình luận về một bộ phim trên một trang web nổi tiếng, cho dù nó trình bày một cảnh quay trong phim (việc sử dụng như thế thường được nhà phân phối cho phép công khai hoặc được phép theo sử dụng hợp lý). Tuy nhiên, liên kết trực tiếp đến cảnh quay của phim sẽ xóa bỏ đi ngữ cảnh và làm mất đi tính hợp pháp của trang web đó đối với việc sử dụng đã có sự cho phép hoặc sử dụng hợp lý.

Vi phạm bản quyền

Những người đóng góp nào liên tục đăng các nội dung đã được giữ bản quyền mặc dù đã có những cảnh báo sẽ bị cấm không được sửa đổi bởi một bảo quản viên để ngăn ngừa các vấn đề phát sinh sau đó.

Nếu bạn nghi ngờ có sự vi phạm bản quyền, tối thiểu là bạn cần nêu vấn đề tại trang thảo luận của trang đó. Những người khác sau đó có thể kiểm tra tình hình và có hành động thích hợp nếu cần. Một số trường hợp chỉ là cảnh giác nhầm mà thôi. Ví dụ: nội dung có thể tìm thấy ở nơi nào khác trên mạng mà thực ra được sao chép từ Wikipedia trước đó không phải là vi phạm bản quyền đối với phần nội dung của Wikipedia.

Nếu một trang có chứa nội dung vi phạm bản quyền, nội dung đó – và toàn bộ trang đó, nếu không có nội dung nào khác hiện hữu – cần được xóa đi. Xem Wikipedia:Vi phạm bản quyền để biết thêm thông tin, và Wikipedia:Có vấn đề bản quyền để biết thêm hướng dẫn chi tiết.

Hướng dẫn cho hình ảnh và các tập tin phương tiện khác

Tranh, ảnh, tập tin video và âm thanh, cũng giống như tác phẩm viết, là đối tượng có bản quyền. Chắc chắn có ai đó giữ bản quyền của chúng trừ khi chúng được công khai đặt vào phạm vi công cộng. Hình ảnh, tập tin video và âm thanh trên Internet cần phải được cấp phép trực tiếp từ người giữ bản quyền hoặc một ai khác có thể cấp phép trên danh nghĩa của họ. Trong một số trường hợp, các hướng dẫn về sử dụng hợp lý có thể cho phép chúng được dùng bất kể đã có tuyên bố bản quyền rồi; xem Wikipedia:Nội dung không tự do để biết thêm chi tiết.

Trang miêu tả tập tin phải được đánh dấu bằng một loại thẻ đặc biệt để chỉ rõ tình trạng pháp lý của hình ảnh, như mô tả tại Wikipedia:Thẻ quyền cho hình ảnh. Các hình không ghi thẻ hoặc ghi thẻ sai sẽ bị xóa.

Những câu hỏi về bản quyền tập tin có thể đặt tại Wikipedia:Các câu hỏi về bản quyền tập tin, thường được các tình nguyện viên đã quen thuộc với quy định và hướng dẫn bản quyền tập tin của Wikipedia theo dõi.

Luật bản quyền theo từng quốc gia

Wikimedia Foundation đặt trụ sở tại Hoa Kỳ và do đó hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của luật pháp Hoa Kỳ, bao gồm các luật về bản quyền. Tuy nhiên, theo Jimbo Wales, người sáng lập Wikipedia, các thành viên đóng góp vào Wikipedia nên tôn trọng luật bản quyền của các quốc gia khác, thậm chí nếu các quốc gia đó không có quan hệ bản quyền chính thức với Hoa Kỳ.[2]

Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ

Những tác phẩm do nhân viên dân sự và nhân viên quân sự của chính quyền liên bang Hoa Kỳ tạo ra trong khi thực hiện công vụ sẽ thuộc phạm vi công cộng theo điều luật của Hoa Kỳ (mặc dù chúng có thể được bảo hộ bản quyền bên ngoài Hoa Kỳ). Các nhân viên này nếu lúc đó đang làm việc thì vẫn chưa đủ; anh/chị ta phải thực hiện tác phẩm khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình (ví dụ: một người lính chụp bức ảnh bằng máy ảnh cá nhân của anh/chị ta trong khi tuần tra ở Iraq sở hữu bản quyền bức ảnh đó, nhưng nó có thể xuất hiện trên một trang web của đơn vị hoặc thậm chí được trao giấy phép cho chính phủ).

Tuy nhiên, không phải tất cả tác phẩm được chính quyền Hoa Kỳ tái xuất bản đều thuộc loại này. Chính phủ Hoa Kỳ có thể sở hữu bản quyền những tác phẩm do những người khác trao cho chính phủ – ví dụ, tác phẩm do các bên trong hợp đồng tạo ra.

Bộ luật Hoa Kỳ; Văn tự 17; Chương 1; § 105 Đối tượng của bản quyền; Tác phẩm của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bảo hộ bản quyền theo văn tự này không tồn tại đối với bất cứ tác phẩm nào của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng Chính phủ Hoa Kỳ không được loại trừ trong việc nhận và giữ bản quyền được chuyển giao cho nó do gán, để lại, hoặc thứ khác.

Bộ luật Hoa Kỳ

Ngoài ra, hình ảnh và các phương tiện khác tìm thấy trên cách trang web .mil và .gov có thể đang sử dụng nhiếp ảnh lưu trữ thương mại do người khác sở hữu. Sẽ là hữu ích nếu kiểm tra các thông báo về quyền riêng tư và bảo mật của trang web, nhưng chỉ bằng cách gửi thư cho người quản trị trang web bạn mới chắc chắn được nó có thuộc phạm vi công cộng hay không.

Cần chú ý rằng tuy chính phủ Hoa Kỳ không tuyên bố bảo hộ bản quyền đối với tác phẩm của chính họ, các chính phủ bên ngoài Hoa Kỳ lại thường tuyên bố bản quyền đối với các tác phẩm do nhân viên của họ tạo ra (ví dụ: Bản quyền Hoàng gia tại các vương quốc Thịnh vượng chung).

Công trình của các tiểu bang Hoa Kỳ

Tương tự, đa số chính quyền tiểu bang và địa phương thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ không đưa tác phẩm của họ vào phạm vi công cộng và thực sự có sở hữu bản quyền đối với tác phẩm của họ. Xin hãy cẩn thận kiểm tra thông tin bản quyền trước khi sao chép.

Các quốc gia không có quan hệ bản quyền với Hoa Kỳ

Theo Thông tư 38a của Phòng Bản quyền Hoa Kỳ, Afghanistan, Eritrea, Ethiopia, Iran, Iraq, San MarinoTurkmenistan không có bất cứ quan hệ bản quyền nào với Hoa Kỳ. Trong khi đó các quốc gia gồm Kiribati, Nauru, Palau, São Tomé và Príncipe, Somalia, Nam SudanTuvalu được liệt kê như có tình trạng bản quyền với Hoa Kỳ 'chưa rõ ràng'. Các tác phẩm đã phát hành bắt nguồn từ một trong các quốc gia này vì vậy không được giữ bản quyền tại Hoa Kỳ, bất kể luật bản quyền của các nước này ra sao. Xem 17 U.S.C. § 104(b), được trích dẫn trong Thông tư. Tuy nhiên, các tác phẩm chưa công bố được giữ bản quyền bất chấp nguồn gốc của chúng hoặc quốc tịch của tác giả, miễn là chúng vẫn chưa công bố. Xem 17 U.S.C. § 104(a).

Algérie

Điều 9 Ordonnance N°97-10 du 27 Chaoual 1417 correspondant au 6 mars 1997 relative aux droits d'auteur et aux droits voisins. của Algérie nói rằng: "Tác phẩm của Quốc gia mà được công bố hợp pháp cho công chúng có thể dùng tự do với mục đích phi thương mại, miễn là tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm và ghi rõ nguồn gốc của nó. "Tác phẩm của quốc gia", trong điều luật, có nghĩa là các tác phẩm do các cơ quan khác nhau của Quốc gia, cộng đồng địa phương, hoặc các tổ chức công cộng của một nhân vật quản lý." (bản gốc bằng tiếng Pháp). Tóm lại, chúng không được phép dùng với mục đích thương mại – được xem là không tự do theo Wikipedia và không phù hợp để sao chép.

Nga: miễn trừ bản quyền

Theo Luật bản quyền Nga năm 1993 (Федеральный закон от 9.07.1993 № 5351-1), những thứ sau đây không phải là đối tượng bản quyền:

  • văn bản chính thức (luật pháp, các văn bản pháp quy khác, quyết định của tòa án, những tài liệu mang tình lập pháp, hành chính và tòa án, các văn bản chính quy của các tổ chức quốc tế, cũng như các bản dịch chính thức của họ);
  • ký hiệu và con dấu quốc gia (lá cờ, huy hiệu, thủ tục, tiền giấy, và những thứ tương tự), cũng như ký hiệu và con dấu của các chính thể địa phương;
  • các tác phẩm dân gian, không có tác giả cụ thể;
  • các thường thuật tin tức về sự kiện và sự thật khách quan, chỉ đơn thuần mang tính thông tin (báo cáo thông tin thường nhật, chương trình truyền hình, lịch tàu xe, và những thứ tương tự).

Bản quyền tại Nga nói chung hết hạn sau 70 năm từ sau khi tác giả mất. Các tác phẩm của tác giả đã mất trước năm 1953 thuộc phạm vi công cộng – trước năm 2004, thời hạn là 50 năm. Sự kéo dài bản quyền vào năm 2004 không có tính hồi tố (xem Luật 72-FZ, 2004 (tiếng Nga), điều 2, phần 3).

Nếu một tác phẩm không được công bố trong khi tác giả còn sống, bản quyền của nó hết hạn sau 70 năm từ khi nó được công bố hợp pháp đầu tiên (nếu tác phẩm không thuộc phạm vi công cộng trước đó). Điều này tạo ra thời hạn đối đa đối với các tác phẩm chưa công bố hoặc được công bố sau khi mất là 140 năm (nếu tác giả mất sau 1953) hoặc 120 năm (nếu tác giả mất trước 1953, VÀ tác phẩm của họ được công bố trước năm 2003).

Nếu một tác phẩm được công bố vô danh hoặc khuyết danh, và tác giả của nó vẫn chưa được biết đến, thì bản quyền của nó hết hạn 70 năm sau khi nó được công bố hợp pháp lần đầu tiên. Nếu tác giả được tìm ra, luật bình thường được áp dụng.

Anh Quốc

Hiệp hội Bản quyền Nhà văn cũng như Cục bản quyền của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland có bản tóm tắt khá đầy đủ. Cơ sở pháp lý là Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Sở hữu trí tuệ 1988, và các điều chỉnh và sửa đổi sau đó. Cụ thể là đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật: bản quyền hết hạn 70 năm sau khi tác giả cuối cùng mất đi, hoặc nếu khuyết danh: 70 năm sau khi tạo ra hoặc công bố.

Văn phòng Thông tin Khu vực Công chúng của Anh, trước đây là HMSO, đã nói với chúng tôi:

Bảo hộ Bản quyền Hoàng gia của các tác phẩm đã công bố tồn tại trong vòng năm mươi năm từ cuối năm tác phẩm được công bố lần đầu. Do đó các nội dung được xuất bản [50 năm về trước], và bất kỳ tài liệu bản quyền Hoàng gia được công bố trước ngày đó, giờ đã hết bản quyền, và có thể được tái tạo tự do trên toàn thế giới.[3]

Quyền và nghĩa vụ của những người tái sử dụng nội dung Wikipedia

Nội dung Wikipedia duy nhất mà bạn cần liên hệ với Wikimedia Foundation để xin phép là các biểu trưng Wikipedia/Wikimedia đã đăng ký thương hiệu và không được phép sử dụng tự do nếu chưa xin phép (người của các cơ quan thông tấn báo chí, xem Foundation:Press room, những người khác xem Wikipedia:Liên lạc). Nếu bạn muốn sử dụng nội dung trên Wikipedia cho cuốn sách/bài báo/trang web hoặc các loại ấn phẩm khác của bạn, trừ phi nó được sử dụng theo điều khoản nội dung không tự do, thì bạn có thể làm điều đó—nhưng phải tuân theo các điều khoản cấp phép. Xin hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây:

Tái sử dụng văn bản

Ghi công
Để tái phân phối một trang văn bản dưới mọi hình thức, bạn phải ghi nhận tác giả bằng một trong những cách bao gồm a) một siêu liên kết (nếu được) hoặc URL đến trang hoặc các trang mà bạn đang dùng lại, b) một siêu liên kết (nếu có thể) hoặc URL đến một bản sao trực tuyến thay thế khác, ổn định, có thể được tự do truy cập, tuân theo giấy phép, và có ghi tên các tác giả theo cách thức tương đương với việc ghi tên trên trang web này, hoặc c) một danh sách gồm tất cả tác giả. (Mọi danh sách tác giả có thể được tinh lọc để loại bỏ những đóng góp quá nhỏ hoặc không thích hợp.) Yêu cầu này áp dụng cho nội dung văn bản do cộng đồng Wikipedia tạo ra. Văn bản từ các nguồn bên ngoài có thể còn kèm theo những đòi hỏi ghi công bổ sung đối với tác phẩm của họ, mà chúng tôi sẽ cố gắng ghi rõ điều đó cho bạn trong trang bài viết hoặc trang thảo luận bài viết. Ví dụ: một trang bài viết có thể có một tiêu đề hoặc ghi chú nào đó của trang nguyên thủy được phát hành ở một nơi nào khác. Những người tái sử dụng nội dung cần bảo toàn các dấu hiệu như vậy mỗi khi nhìn thấy chúng xuất hiện trong trang đang được dùng lại.
Copyleft/Chia sẻ tương tự
Nếu bạn đã thực hiện những sửa đổi hay bổ sung vào nội dung đang dùng lại, bạn phải tái cấp phép nội dung mới theo giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tự phiên bản 4.0 hoặc các phiên bản cũ hơn.
Ghi chú sự thay đổi
Nếu bạn thực hiện chỉnh sửa hoặc bổ sung, bạn phải chỉ ra điều này một cách thích hợp rằng tác phẩm gốc đã được chỉnh sửa. Ví dụ: nếu bạn đang dùng lại nội dung tại một wiki, chỉ cần chỉ ra điều này trong lịch sử trang bằng cách dùng khung "Tóm lược sửa đổi" của wiki đó.
Ghi chú về tình trạng cấp phép
Mỗi bản sao hoặc phiên bản đã chỉnh sửa do bạn phân phối phải ghi kèm theo một thông báo cấp phép chỉ ra tác phẩm được phát hành theo giấy phép CC BY-SA cùng với a) một siêu liên kết hoặc URL đến toàn văn giấy phép hoặc b) một bản sao của giấy phép. URL thích hợp cho mục đích này là: http://creativecommons.org/licenses/by-sa/4.0/

Để biết thêm thông tin, xin tham khảo văn bản luật Giấy phép CC BY-SA (bằng tiếng Anh).

Nội dung văn bản được phát hành bổ sung theo Giấy phép Tài liệu Tự do GNU

Vì lý do tương thích, những trang nào không sử dụng nội dung văn bản được cấp phép độc quyền theo CC-BY-SA hoặc một giấy phép tương thích CC-BY-SA thì cũng được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU. Để xác định xem một trang nào đó có được phát hành theo GFDL hay không, hãy xem tại phần cuối trang, lịch sử trang, và trang thảo luận để xem có ghi công cho nội dung được cấp phép đơn không tương thích với GFDL hay không. Tất cả văn bản công bố trước ngày 15 tháng 6 năm 2009 trên Wikipedia được phát hành theo GFDL, và bạn cũng có thể sử dụng lịch sử trang để truy xuất nội dung ấn hành trước ngày đó để chắc chắn là nó tương thích với GFDL.

Tái sử dụng nội dung phương tiện phi văn bản

Nếu không được ghi chú khác đi, các tập tin phương tiện phi văn bản được phát hành theo nhiều giấy phép văn hóa tự do khác nhau, nhất quán với Chính sách cấp phép Wikimedia Foundation. Xin hãy xem trang miêu tả tập tin để biết chi tiết về giấy phép của mỗi tập tin phương tiện cụ thể.

Nội dung không tự do và các yêu cầu đặc biệt

Các bài viết Wikipedia có thể kèm theo những đoạn trích dẫn, hình ảnh, hoặc các nội dung phương tiện khác được sử dụng theo thuyết "sử dụng hợp lý" của luật Bản quyền Hoa Kỳ thể theo các hướng dẫn dành cho nội dung không tự do. Tại Wikipedia, những nội dung "sử dụng hợp lý" như vậy nên được ghi rõ là thuộc về một nguồn bên ngoài bằng một cách thức hợp lý (tại trang miêu tả tập tin, hoặc lịch sử trang, nếu thích hợp; các trích dẫn cần được đặt trong dấu trích dẫn hoặc trích dẫn dạng khối theo Wikipedia:Trích dẫn). Điều này cũng dẫn đến khả năng việc dùng những nội dung "sử dụng hợp lý" lấy từ Wikipedia như vậy lại bị hạn chế ở bên ngoài Wikipedia: nội dung "sử dụng hợp lý" này không có giấy phép CC BY-SA hay GFDL như hầu hết nội dung của Wikipedia, mà phải tuân theo các quy định "sử dụng hợp lý" (có thể giống/có thể khác) tại quốc gia mà từ đó nội dung đó được chép về.

Trước ngày 15 tháng 6 năm 2009, Wikipedia có cho phép một số nội dung văn bản được phát hành theo giấy phép tương thích với GFDL nhưng có thể đòi hỏi thêm một số điều khoản khác không có trong nguyên văn tại Wikipedia (như gồm cả Phần bất biến, Văn bản bìa trước, hoặc Văn bản bìa sau). Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ được đưa vào nếu người giữ bản quyền gốc không đòi hỏi phải kế tục; vì lý do đó, chúng không có hạn chế gì đặc biệt khi tái sử dụng.

Nếu bạn là chủ nhân của nội dung chứa trên Wikipedia đang được sử dụng mà chưa có sự đồng ý của bạn

Nếu bạn là chủ nhân của nội dung đang được sử dụng tại Wikipedia mà lại chưa được sự đồng ý của bạn, bạn có thể yêu cầu xóa ngay lập tức nội dung đó ra khỏi Wikipedia; mời xem cách liên lạc về các vấn đề bản quyền. Bạn cũng có thể liên lạc với cơ quan được chỉ định của chúng tôi để xóa nó vĩnh viễn (nhưng việc này có thể mất khoảng 1 tuần). Bạn cũng có thể tẩy trống trang và thay nó bằng đoạn {{thế:vpbq|Địa chỉ URL hoặc nơi bạn đã công bố nội dung}} nhưng nội dung đó vẫn sẽ nằm trong lịch sử của trang. Ngoài ra, dĩ nhiên chúng tôi sẽ cần một số bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu của bạn.

Ngược lại, nếu bạn là biên tập viên của một bài viết Wikipedia và tìm thấy một bản sao tại nơi khác mà không tuân thủ các điều kiện ghi công của giấy phép, mời xem en:Wikipedia:Standard GFDL violation letter (tiếng Anh).

Xem thêm

Đọc thêm các thảo luận...