Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
Bước tới nội dung

Nhiếp chính

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bản để in ra không còn được hỗ trợ và có thể có lỗi kết xuất. Xin hãy cập nhật các dấu trang của bạn và sử dụng chức năng in bình thường của trình duyệt thay thế.

Nhiếp chính (chữ Hán: 攝政), tiếng Anh gọi là Regent, là một hình thức chính trị của thời kỳ quân chủ chuyên chế hoặc quân chủ lập hiến trong lịch sử của nhiều quốc gia từ châu Âu đến Đông Á.

Nhiếp chính có thể là một dạng hội đồng hoặc một cá nhân, được hình thành khi một vị quân chủ không có khả năng trị vì, xử lý và điều hành nền quân chủ, thì một người, cơ quan khác sẽ thay vị quân chủ đó quản lý và giải quyết.

Thuật ngữ nhiếp chính cần được phân biệt với thuật ngữ nhiếp chính vương (tiếng Anh: prince/princess regent), được dùng để chỉ một thân vương trực hệ huyết thống hoàng gia thuộc dòng kế vị thực hiện quyền cai trị thay mặt cho quân chủ khi người đó còn thiếu niên hoặc mất khả năng cai trị, điển hình như trường hợp của Vương tử George, Thân vương xứ Wales giữ vai trò nhiếp chính vương trong giai đoạn 1811-1820, khi cha của ông là George III của Anh mất năng lực cai trị.

Còn một số trường hợp vợ của Vua có thể nhiếp chính cho người thừa kế vị ngai vàng khi còn nhỏ tuổi ví dụ như Thái hậu Emma vợ thứ hai của Vua Willem III nhiếp chính cho con gái của họ là Nữ vương Wilhelmina trong thời kỳ thiểu số từ năm 1890 đến năm 1898. Khi Nữ vương còn nhỏ tuổi chưa có thể cai trị đất nước.

Quy tắc

Giám quốc và Phụ chính đại thần

Nhiếp chính thường xuất hiện trong trường hợp vị quân chủ vắng mặt, bị mắc bệnh tật hoặc thông thường là còn nhỏ tuổi để có thể tự cai trị.

Khi đó, một "Hội đồng nhiếp chính" gồm các quan chức cấp cao nhất sẽ thay vị quân chủ ấy giải quyết chính sự. Đứng đầu cơ quan này, thông thường sẽ là Thái tử, lúc đó sẽ xưng [Giám quốc; 監國]. Nếu là một cá nhân khác có toàn quyền xử lý chính sự, tức sẽ gọi là [Nhiếp chính; 摄政] hay [Bỉnh chính; 秉政]. Còn như một đại bộ phận giúp xử lý chính sự, nhưng không mang quyền độc đoán, tất sẽ gọi là [Phụ chính; 辅政]. Triều đại nhà Thanh, Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn cùng Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng đều là 2 vị Thân vương giúp Thuận Trị Đế xử lý triều chính khi còn quá nhỏ, nhưng Đa Nhĩ Cổn thụ phong Thúc phụ Nhiếp Chính vương (叔父攝政王), Tế Nhĩ Cáp Lãng là Tín Nghĩa Phụ Chính Thúc vương (信義輔政叔王)[1], cho thấy rõ sự khác biệt giữa ["Phụ chính"] cùng ["Nhiếp chính"], dù cả hai vị trí này căn bản đều giúp Hoàng đế xử lý chính sự. Thời kỳ nhà Nguyễn, các hàng tông thân quốc thích thường sẽ được chỉ định làm người phụ chính, được gọi là Phụ chính Thân thần (辅政親臣), còn những đại thần có quyền hành thì đều gọi chung là Phụ chính đại thần (辅政大臣).

Tại Nhật Bản cổ đại, các quan nhiếp chính gọi là Quan bạch (關白). Từ năm 858, thời Thiên hoàng Seiwa do ngoại tổ phụ Fujiwara no Yoshifusa nhiếp chính, thì chức quan nhiếp chính Nhật Bản do dòng họ Hokke (藤原北家; Đằng Nguyên Bắc Gia) chiếm hữu, mãi đến tận thời Minh Trị.

Triều Tiên, các Quốc vương thường kế vị ở độ tuổi trưởng thành, nên nền nhiếp chính ở Triều Tiên thường không có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên chế độ nhiếp chính cũng xuất hiện khi Quốc vương còn nhỏ tuổi, như thời Triều Tiên Cao Tông, cha ông là Hưng Tuyên Đại Viện Quân trở thành người nhiếp chính, nắm quyền lực thực tế trong thời gian dài.

Thái hậu tham chính

Lâm triều xưng chế

Tuy vậy, một hiện tượng tuy không chính thức nhưng là luật bất thành văn và xảy ra rất thường xuyên, là người mẹ (hoặc bà nội) của vị quân chủ ấy thường sẽ tham dự hội đồng nhiếp chính và có khả năng đứng đầu hội đồng nhiếp chính trong khi Hoàng đế còn quá nhỏ tuổi. Hiện tượng mẹ của quân chủ nhiếp chính bắt đầu từ khi Tuyên Thái hậu Mị thị, sinh mẫu của Tần Chiêu Tương vương được tôn làm Thái hậu và bắt đầu tham gia triều chính, mở đầu hiện tượng Thái hậu chuyên quyền trong suốt chiều dài lịch sử các quốc gia Đông Á. Sách Hậu Hán thư có bình rằng:

Sang thời nhà Hán, Lã Thái hậu nhân lúc Hán Huệ Đế bạo bệnh băng hà, Hoàng đế Lưu Cung còn nhỏ mà tự mình chính thức lâm triều, ra chiếu chỉ tự xưng mình là 「Chế; 制」, mở đầu cho một hiện tượng mà các sử gia gọi là 「Lâm triều xưng chế; 临朝称制」 của các vị Hoàng thái hậu. Vào thời điểm đó, các Thái hậu có thể lên triều nghị chính một cách công khai như các vị Hoàng đế quân chủ.

Vốn dĩ, "Lâm triều" ý là xử lý quốc chính, tương đương Thiên tử lâm triều, còn "xưng Chế" là tiến hành quyền quản lý quốc chính như Thiên tử. Từ xưa, hậu phi vốn chỉ ở trong cung, không có quyền hành xử lý quốc sự chính thức. Từ khi Tần Thủy Hoàng xưng Hoàng đế, ban lệnh đều gọi là ["Chế"; 制] hoặc ["Chiếu"; 诏], công văn gọi là ["Cáo"; 诰][2]. Trong Hậu Hán thư, cuốn thứ 3 - "Túc Tông Hiếu Chương hoàng đế bản kỷ", có ghi lại rằng:「"Đế thân xưng Chế lâm quyết, như Hiếu Tuyên Cam Lộ Thạch Cừ cố sự, tác Bạch Hổ nghị tấu"; 帝親稱制臨決,如孝宣甘露石渠故事,作白虎議奏。」. Như vậy, "Lâm triều" tức là đăng vị giải quyết quốc sự, mang tính trọng đại, mà hậu phi cung tần vốn dĩ không có quyền tham chính, nếu như có quyền đó thì tức là "xưng Chế", hàm ý hành xử đều tương đương quyền lực của Hoàng đế. Lịch sử gọi những người phụ nữ này là 「Nữ chủ; 女主」.

Thùy liêm thính chính

Đến thời của Võ Tắc Thiên, bà ngồi sau một bức mành (Hán ngữ viết "Liêm tử"; 帘子) để nghe triều thần nghị luận việc nước sau lưng Đường Cao Tông và can thiệp vào mọi việc chính trị. Vào lúc này, việc Hậu phi tham chính được khai sinh ra một cách diễn đạt mới, gọi là 「Thùy liêm; 垂帘」, có nghĩa là "Buông rèm", cho phép Hoàng hậu có thể ở sau Hoàng đế mà dự thính cùng thảo luận chính sự và cô ấy có thể can thiệp vào chính trị hoặc hướng dẫn hoàng đế trong những vấn đề quan trọng càng sớm càng tốt. Điều này có ghi trong Cựu Đường thư:

Sang thời nhà Tống, đời Tống Nhân Tông, có Chương Hiến Lưu Thái hậu từng được di chiếu 「Quân quốc trọng sự, quyền thủ xử phân; 軍國重事,權取處分」, đứng đầu nhóm người được quyền quản lý chính sự. Vào lúc ấy, việc nhiếp chính này của Lưu Thái hậu tiến hành Thùy liêm ở Thừa Minh điện (承明殿), Hoàng đế ở bên Tả, Thái hậu ở bên Hữu, vẫn dùng việc [Thùy liêm] để giải quyết sự vụ[3][4]. Sang thời Tống Anh Tông, trong thời gian cai trị đầu tiên thì ông từng liên tiếp bạo bệnh, khi ấy Từ Thánh hậu từng ở sau mành mà nhiếp chính quốc gia trọng sự, đây là lúc chính thức ghi nhận việc Thái hậu tham chính bằng cách buông rèm là 「Thùy liêm thính chánh; 垂帘听政」.

Việc này được sách Đông đô sự lược (東都事略) chép rất rõ:

Từ đó, các đời Hoàng thái hậu nhiếp chính đều ngồi sau bức mành nghe việc, làm cho cụm từ "Thùy liêm thính chánh" từ đó ám chỉ việc phụ nữ tham dự triều chính. Tuy nhiên đây cũng là một hành động thường thức nếu Hậu phi có việc không tiện lộ diện với Ngoại thần thì đều ở sau một bức rèm, đều có người truyền đạt gián tiếp, đó là bởi vì không người nam nào trừ chồng (tức Hoàng đế) có thể tùy tiện nhìn mặt các bà, thậm chí là Hoàng tử do mình sinh ra cũng có nghi kị. Sự tách biệt nam nữ này được duy trì ở tất cả các quốc gia đồng văn, gồm cả Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nghi thức "Thùy liêm" này là một hành động tham dự chính trị chính thức, do đó cũng đều phải có quy trình cụ thể, mà quy trình cụ thể đều tùy thuộc triều đại quyết định. Theo quy chế thời nhà Tống, triều đại ghi lại nhiều hình thức "Thùy liêm" nhất, lúc đang nghị định hình thức cho Chương Hiến Thái hậu đã dẫn lệ đời Đông Hán, cho thấy Hoàng thái hậu và Hoàng đế khi cùng nghe chính ở trên điện là ngồi ngang hàng song song với nhau. Trong đó, do Hoàng đế là chủ nên ở vị ["Tả"; 左], còn Hoàng thái hậu chỉ là phụ trợ nên ở vị trí ["Hữu"; 右][5]. Cũng vì nắm quyền, nghi thức của một Thái hậu nhiếp chính đều tương tự Hoàng đế[6], Thái hậu hạ thánh chỉ thì tự xưng là 「; 予」, trên triều đường thì tự xưng 「Ngô; 吾」, mà không thể tự xưng từ chỉ chuyên dùng cho Hoàng đế là 「Trẫm; 朕」[7]. Ngoài việc trực tiếp lên điện cùng Hoàng đế, đôi khi cần giải quyết sự vụ khác, các Thái hậu cũng có những hình thực "thùy liêm" tương đối đặc thù. Sử Triều Tiên có chép về cách thùy liêm khi không cần lên điện của triều Tống khá tỉ mỉ:「"Lúc Thùy liêm ở Tống triều có Thông ngữ Nội thị là người chịu trách nhiệm thông truyền trước màn nên Thái hậu có thể ở trong tẩm cung lệnh Nội quan hạ lệnh và quần thần thông qua Nội quan để thỉnh lệnh. Viên quan Tấu sự sẽ giải thích văn tự để bẩm báo, được đặc cách nghe chuyện"[8]. Sang thời nhà Thanh, khi Từ An Thái hậuTừ Hi Thái hậu thực hiện thùy liêm, lại chọn cách ngồi ở sau bức rèm được đặt sau bảo tọa của Hoàng đế trong Dưỡng Tâm điện, do vậy tạo nên hình ảnh Thái hậu buông rèm ngồi sau Hoàng đế, trong khi thực tế đại đa số triều đại Thái hậu lại ngồi bên cạnh Hoàng đế, đây được cho là vì lúc đó có 2 vị Thái hậu đồng thời ảnh hưởng từ cách ngồi sau rèm của Võ Tắc Thiên.

Tại Việt Nam, sau thời nhà Lê Sơ có Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, thì từ đó đến triều nhà Nguyễn không còn trường hợp Thái hậu thực hiện "Thùy liêm thính chính" nào nữa cả, mà tư liệu việc Nguyễn Thái hậu thùy liêm ra sao cũng không được ghi lại cụ thể, nên hình thức thùy liêm của Thái hậu Việt Nam không rõ ràng. Còn tại Triều Tiên, từng xuất hiện khá nhiều những thời kỳ mà các Vương đại phi hoặc Đại vương đại phi thực hiện "Thùy liêm thính chính" thay mặt Quốc vương còn nhỏ tuổi quản lý triều chính. Chẳng hạn trường hợp Trinh Thuần Vương hậu Kim thị nhiếp chính cho tằng tôn của mình (theo vai vế trong vương thất chứ không cần có quan hệ huyết thống) là Triều Tiên Thuần Tổ. Đối với lễ giáo Triều Tiên thì đây là một sự kiện rất trọng đại, còn phải tiến hành các lễ Tế cáo, nên hình thực thùy liêm được ghi lại rất tỉ mỉ. Cách buông rèm của Triều Tiên về cơ bản được dựa vào đời nhà Tống, các Đại phi sẽ ngồi sau bức Bình phong đặt bên cạnh của Quốc vương trong Hi Chính đường (희정당; 熙政堂) tại Xương Đức Cung. Hướng ngồi là phía Đông (khi nhìn vào), mặt của Đại phi sẽ hướng về phía Nam.

Bên cạnh đó, có một số thuật ngữ khác chỉ việc nữ chủ tham dự. Theo lệ thông thường, "Thùy liêm thính chính" hoặc "Lâm triều thính chính" chỉ dành cho các Hoàng thái hậuThái hoàng thái hậu mà không phải Hoàng hậu. Nếu gián tiếp tham dự thì chỉ có thể gọi là 「Can chính; 干政」 hoặc 「Dự chính; 預政」. Việc Hoàng hậu tham dự chính sự, tương đồng với Thái tử thực hiện "Giám quốc", vì Hoàng đế trực tiếp điều hành quốc chính vẫn còn tại vị, do đó nếu Hoàng hậu trực tiếp tham dự triều chính thì chỉ xưng là 「Thiện quyền chuyên chính; 擅權專政」 hoặc 「Thính chính đại chính; 聽政代政」, còn nếu chỉ gián tiếp thì lại dùng các từ "Can chính" hoặc 「Gián chính; 諫正」[9].

Nhìn nhận

Việc nhiếp chính là một hiện tượng tạm thời do vị quân chủ vắng mặt, hoặc vì lý do chính trị mà quốc gia không có quân chủ, vì vậy đều chỉ duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Đến khi vị quân chủ đủ tuổi, đủ khả năng hoặc có vị quân chủ mới lên ngôi, thì thời kỳ nhiếp chính sẽ kết thúc. Thông thường thời gian nhiếp chính là khoảng 8 năm, hoặc trong phạm vi hơn 10 năm bởi vì tuổi tác được gọi là "nhỏ" thông thường đã 5 hoặc 6 tuổi, cá biệt có trường hợp chỉ 1 tuổi (như Lê Nhân Tông). Tuy nhiên, những nhiếp chính có thế lực lớn đều có thời gian nhiếp chính vượt qua con số này khá nhiều, điển hình như Từ Hi Hoàng thái hậu, hoặc nền quân chủ đã bị thoái trào quá mức mà lập thành cả một "hệ thống" như gia tộc họ Tào, họ Tư Mã, gia tộc Fujjiwara và chúa Trịnh nắm quyền liên tục.

Từ thời nhà Hán chứng kiến Lã hậu rồi các Thái hậu Đông Hán độc bá triều cương, các triều đại về sau thường đem chuyện "Nữ chủ lâm triều" trở thành một chuyện tương đối nhạy cảm cho chính quyền, thường là một trường hợp để thao túng hoặc lợi dụng nào đó. Triều đại thiết chặt vấn đề này nhất chính là triều đại nhà Minh, chủ trương tách vai trò của Hậu phi khỏi chính trị, không hề xuất hiện một Nữ chủ lâm triều nào. Nho gia Tuân Tử, người có ảnh hưởng lớn lý thuyết Nho giáo đời nhà Tống, đã đem "Nữ chủ", "Trá thần""Tham lại" xưng là 「Tam loạn; 三亂」[10], do đó ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về sau của việc nữ chủ tham gia chính sự, điển hình là từ thời Nam Tống, đã lấy Tân Nho học của Chu Hi vốn chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của Tuân Tử để phán ánh gay gắt việc Nữ chủ lâm triều và độc bá triều cương. Các triều đại về sau dần hạn chế việc cho phép Thái hậu tham gia chính sự, khi các Hoàng đế còn nhỏ thì các hội đồng nhiếp chính lập ra đều có Thân vương và quan đại thần đứng đầu phụ chính, điển hình như chế độ của nhà Minh và nhà Thanh. Trường hợp Từ An Hoàng thái hậu và Từ Hi Hoàng thái hậu hoàn toàn là một ngoại lệ đặc thù, chuyển biến do đấu tranh chính trị chứ không phải là chủ trương của triều đại này ngay từ đầu. Theo lý thuyết mà Minh-Thanh thành lập, thông thường nhiếp chính là "Phụ chính đại thần", cả một hội đồng không ai quá ưu việt hơn ai và kiềm chế lẫn nhau, điển hình là Tứ trụ Đại thần thời Khang Hi hoặc Cố mệnh Bát đại thần thời Đồng Trị.

Trường hợp cũng có chấp nhận Hoàng thái hậu nhiếp chính thì đều có các quan đại thần bên cạnh phò trợ, không để Thái hậu một mình độc bá triều cương cũng xảy ra ở Việt Nam, như Đại Thắng Minh hoàng hậu thời nhà Đinh có Phó vương Lê Hoàn, Linh Nhân Thái hậu thời Lý có Lý Thường KiệtLý Đạo Thành, hoặc như Tuyên Từ Thái hậu thời Lê có Nguyễn XíTrịnh Khả vậy. Sang thời nhà Nguyễn, các vị Vua nhỏ như Vua Kiến PhúcVua Duy Tân về cơ bản án theo cách làm của Minh-Thanh, tức chỉ có Hội đồng Phụ chính của Cơ Mật viện mà không cho Thái hậu lâm triều.

Nhân vật nổi bật

Trung Quốc

Từ Hi Thái hậu - một biểu tượng của cụm từ Thùy liêm thính chính tại Trung Quốc.

Việt Nam

Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết - một biểu tượng quan nhiếp chính của Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Nhật Bản

Thánh Đức Thái tử - biểu tượng nhiếp chính trong lịch sử Nhật Bản.

Triều Tiên

Chú thích

  1. ^ Thanh sử cảo quyển 4: 加封和碩睿親王多爾袞為叔父攝政王。乙丑,以雷興為天津巡撫。丁卯,加封和碩鄭親王濟爾哈朗為信義輔政叔王
  2. ^ 《史記‧秦始皇本紀》: 臣等謹與博士議曰:『古有天皇,有地皇,有泰皇,泰皇最貴。』臣等昧死上尊號,王為『泰皇』。命為『制』,令為『詔』,天子自稱曰『朕』。」
  3. ^ 宋史/卷009: 乾興元年二月戊午,真宗崩,遺詔太子即皇帝位,尊皇后為皇太后,權處分軍國事。
  4. ^ 宋史/卷242: 真宗崩,遺詔尊后為皇太后,軍國重事,權取處分。謂等請太后御別殿,太后遣張景宗、雷允恭諭曰:「皇帝視事,當朝夕在側,何須別御一殿?」於是請帝與太后五日一御承明殿,帝位左,太后位右,垂簾決事。
  5. ^ 《宋史·卷三百一十·列传第六十九》:仁宗立,迁礼部尚书。群臣议太后临朝仪,曾请如东汉故事,太后坐帝右,垂帘奏事。
  6. ^ 《宋史紀事本末》第24卷: 仁宗天聖元年五月庚寅,議皇太后儀衛,制同乘輿。
  7. ^ 《宋史·志第七十·禮二十(賓禮二)》: 皇太后臨朝聽政。乾興元年,真宗崩,遺旨以皇帝尚幼,軍國事兼權取皇太后處分。宰相率百官稱賀,復前奉慰,又慰皇太后於簾前。有司詳定儀式:內東門拜表,合差入內都知一員跪授傳進;皇太后所降批答,首書「覽表具之」,末云「所請宜許」或「不許」。初,丁謂定皇太后稱「予」,中書與禮院參議,每下制令稱「予」,便殿處分稱「吾」。皇太后詔:「止稱『吾』,與皇帝並御承明殿垂簾決事。」百官表賀。
  8. ^ 창덕궁 인정문에서 즉위하다:【禮曹垂簾聽政節目。 今此大王大妃殿下, 垂簾同聽政, 係是邦家莫重莫大之禮, 謹稽宋朝 宣仁太后故事、國朝貞熹聖母徽規, 磨鍊擧行。 一, 垂簾處所, 以便殿爲之, 臨時令政院稟旨。 一, 垂簾時, 大王大妃殿下座于簾內近東南向, 殿下侍座于簾外近西南向, 後以當中南向, 改書以入。 朝賀時, 依宣仁太后故事, 文、武官先行四拜于大王大妃殿下, 移班少西行, 四拜于殿下。 一, 垂簾時, 宋朝則簾前通語內侍傳宣, 我朝則大臣以大妃殿下親斷庶務, 所可深居宮中, 使內官傳命請令, 奏事官解釋文字以啓, 特許親聽矣, 今番則大王大妃殿、大殿同聽政, 奏事官先奏于殿下, 則殿下或親爲裁斷, 或仰稟慈旨, 大王大妃殿下, 或親宣慈敎, 諸臣或直奏簾前, 以爲一堂上下輔翼參贊之道。 一, 一月六對, 朝參、常參依例稟旨。 同聽政, 體宋朝日參、六參之例, 大政令、大典禮、時急邊報, 許令無時請對。 或賜宣召、祀典, 兵、刑、試官職等重務, 皆直啓于殿下, 稟慈旨裁決。 一, 慈敎稱大王大妃傳曰, 上敎稱傳曰, 大王大妃殿下敎令, 用宋朝稱予之例。 內外門鑰開閉、軍兵解嚴, 稟于大殿, 大殿稟慈旨後, 用標信、信箭擧行。 一, 諸臣疏章, 依貞熹聖母時故事, 上于殿下, 臺啓及各司啓辭、諸道狀聞, 亦啓于殿下, 或直斷, 或自內承稟後, 賜批。 一, 正、至、誕日三名日, 各道進箋于大王大妃殿, 一依大殿進箋之例, 方物、物膳, 依前擧行。 一, 殿下御經筵時, 大王大妃殿, 於簾內以時親臨時講。 一, 殿下於仁政門卽阼後, 仍具冕殿, 詣大王大妃殿下所御便殿, 率百官, 行四拜禮于殿庭, 訖, 殿下陞殿, 侍坐大臣、二品以上, 以次從陞, 起居于大王大妃殿、殿下, 後還復位, 大王大妃殿下還內, 殿下釋冕服, 反喪服還內, 諸臣退出。 一, 垂簾同聽政典禮至大, 倣貞熹聖母時事, 別爲頒敎中外, 而殿下還內後, 宗親、文、武百官, 改具布公服, 權停例擧行, 今初四日垂簾時, 大王大妃殿, 具翟衣殿座, 常時則用常時所御之服。 垂簾時殿座排設諸事, 令掖庭署及各該司進排。 一, 垂簾告由, 社稷、宗廟、永寧殿、景慕宮, 擇吉奉行。】
  9. ^ 以上部分參考杜芳琴,《中國歷代女主與女主政治略論》,頁35~37;鮑家麟,《中國婦女史論集四集》,臺北:稻鄉出版社,1977。
  10. ^ 《荀子‧強國》篇謂:「……女主亂之宮,詐臣亂之朝,貪吏亂之官。」
  11. ^ Tức từ năm 1127 - 1131, giai đoạn sau khi cha con Tống Huy TôngTống Khâm Tông bị người Kim bắt làm tù binh, Bắc Tống diệt vong