Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
View metadata, citation and similar papers at core.ac.uk brought to you by CORE provided by PhilPapers Minh bạch hóa quá trình thu hồi các ẩn phẩm học thuật Dương Phú Việt Anh tổng hợp Vốn là một cơ sở dữ liệu thư mục uy tín hàng đầu của nhà xuất bản Elsevier, Scopus là kho dữ liệu lớn nhất, chỉ mục các bài báo của những nhà nghiên cứu, thủ thư và các tổ chức học thuật trên khắp thế giới. Để đảm bảo tính tin cậy học thuật, mọi ấn phẩm được chỉ mục trên Scopus đều phải trải qua một quá trình bình duyệt trước khi công bố. Ngoài ra, Scopus còn thường xuyên tiến hành những cuộc đánh giá định kỳ về chất lượng của các tạp chí nhằm loại bỏ những tạp chí không đảm bảo. Do đó, danh sách những tạp chí khoa học bị rút khỏi Scopus luôn thường xuyên được cập nhật. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Italy, Thuỵ Sĩ, Canada và Israel đã thành lập dự án GhoS(t)copus phân tích danh sách các tạp chí bị rút khỏi danh mục Scopus năm 2019 và có được kết quả như sau [1]: - 93% các tạp chí ngừng hoạt động trên Scopus (294/317) đã chuyển sang mô hình Truy cập mở (miễn phí). - Tỉ lệ được trích dẫn của các tạp chí đã rút khỏi Scopus vẫn tiếp tục tăng cao (trung bình 64 lần trích dẫn). - Trong số các tạp chí đã rút khỏi Scopus, 22% (72/317) bị đưa vào danh sách đen Cabell, trong khi 9% (29/317) hiện đang ở trong danh sách được xem xét để đưa vào. Chỉ có 5 tạp chí (2%) được đưa vào danh sách trắng của Cabell. - Chỉ còn 9 trên tổng số 61 tạp chí được lưu lại trong danh mục các tạp chí truy cập mở (DOAJ). Nguyên nhân chủ yếu khiến bị loại là do có “hành vi sai trái trong biên tập của nhà xuất bản”. Hình 1. Phân bố các tạp chí bị rút khỏi danh mục Scopus theo quốc gia (Cortegiani et al., 2020) Có thể thấy rõ, phần lớn các tạp chí ngừng hoạt động trên Scopus có khả năng là tạp chí ngụy tạo, tức là không đáng tin cậy. Nếu người dùng không xem xét kĩ thông tin chi tiết của tạp chí, họ có thể sẽ trích dẫn phải bài của một tạp chí có vấn đề về quy trình xuất bản. Tương tự với các tổ chức và các học viện, việc đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở một phạm vi khác là chuyện rút bài báo (tức một bài nghiên cứu khoa học được công bố, nhưng sau đó bị rút lại). Tuy phạm vi này nhỏ hơn, nhưng vẫn có những hệ quả nhất định mà chúng ta cần cân nhắc. Kể từ năm 2004 tới nay, số lượng các bài báo khoa học bị rút tăng lên đáng kể. Mỗi năm có khoảng 1300-1500 bài và phần lớn trong số đó không công khai những thông tin liên quan [2]. Các nhà xuất bản tạp chí thì vẫn chưa nhất quán trong cách thông báo với độc giả [3] mặc dù Ủy ban Đạo đức Công bố (COPE) đã có những hướng dẫn cụ thể [4]. Những câu hỏi như: Ai là người đã rút bài báo đó?, Bài báo đã mắc lỗi gì?, Liệu rằng chất lượng của các bài báo nghiên cứu có thực sự đảm bảo?,.. thường bị bỏ ngỏ, để lại nhiều thắc mắc về tính tin cậy và về giá trị của khoa học. Thông tin thiếu rõ ràng như vậy gây ảnh hưởng đến uy tín khoa học và dẫn đến những hiểu nhầm tiêu cực về nghiên cứu khoa học. Theo TS. Vương Quân Hoàng, để hạn chế những hệ quả xấu xí đó, thì quá trình rút bài cần phải được minh bạch hơn bằng cách công khai các thông tin như: (1) Ai là người đề xuất việc rút bài (ban biên tập tạp chí, tác giả, cơ quan của tác giả, …) (2) Lý do rút bài (lỗi kỹ thuật, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, …) (3) Có hay không sự đồng thuận giữa ban biên tập và tác giả khi rút bài. (4) Các đánh giá, nhận định của cộng đồng khoa học về bài viết sau khi rút bài [5]. Một bài báo bị rút đi cũng vẫn có thể để lại những giá trị nhất định cho cộng đồng khoa học. Đó là bài học về sự liêm chính, tự cải thiện mình và củng cố sức mạnh chung của nền khoa học, để những người đi sau tránh đi vào vết xe đổ đã có, ... Ở cả cấp độ tạp chí và cấp độ bài báo, các biện pháp đối phó cần được thực hiện khẩn cấp để đảm bảo tính tin cậy của các số liệu khoa học cho mục đích đánh giá khoa học về xuất bản học thuật. Tài liệu tham khảo [1] Cortegiani A, Ippolito M, Ingoglia G., et al. Inflated citations and metrics of journals discontinued from Scopus for publication concerns: the GhoS(t)copus Project [version 1; peer review: awaiting peer review]. F1000Research 2020, 9:415 [2] Vuong, Quan Hoang et al., Characteristics of Retracted Articles Based on Retraction Data From Online Sources Through February 2019 (February 20, 2020). Science Editing 2020;7(1): 34-44. Doi: https://doi.org/10.6087/kcse.187 [3] Davis, P. M. (2012). The persistence of error: a study of retracted articles on the Internet and in personal libraries. Journal of the Medical Library Association: JMLA, 100(3), 184. [4] Committee on Publication Ethics, 2019, Retraction guidelines; https://publicationethics.org/files/retraction%20guidelines.pdf [5] Vuong, Q. H. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582(7811), 149-149.