Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh 普明寺 | |
---|---|
Tên tự | Phổ Minh tự |
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | thôn Tức Mạc, thành phố Nam Định, Nam Định |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Khởi lập | 1262 |
Trụ trì | Thích Đàm Nhữ |
Di tích quốc gia đặc biệt | |
Đền Trần và Chùa Phổ Minh | |
Phân loại | Di tích lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật |
Ngày công nhận | 27 tháng 9 năm 2012 |
Quyết định | 1419/QĐ-TTg[1] |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự 普明寺) hay chùa Tháp là một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.[2]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Tuy đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.[3]
Kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, toà thượng điện cũng 3 gian nhưng rộng hơn, xếp theo hình chữ "công". Bộ cửa gian giữa nhà tiền đường gồm 4 cánh bằng gỗ lim, to dày, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và văn hoa hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề, được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ. Cũng như đôi sấu đá trên thành bậc tam quan và đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần. Hiện nay, hai cánh lưu trữ tại Bảo Tàng Nam Định, hai cánh còn lại lưu trữ tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Hà Nội.
Một số công trình kiến trúc bài trí khác đã làm tô thêm vẻ đẹp của chùa Phổ Minh, như 3 gian tam quan khung gỗ, tường gạch, mái ngói rêu phong, cổ kính với bức hoành phong đề 4 chữ lớn. "Đại hùng bảo điện" và thành bậc thềm ở chính giữa có chạm đôi sấu đá rất sống động, hai hồ tròn thả sen nằm đăng đối hai bên lối đi dẫn vào chùa.
Trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (tượng nằm); tượng Trúc Lâm Tam tổ dưới bóng cây trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn "Phổ Minh đỉnh tự" đúc năm 1796 - chùa vốn có một vạc lớn, sử sách coi là một trong bốn vật báu của Việt Nam (An Nam tứ đại khí) nhưng nay không còn, nhưng phần bệ đá hoa sen từ thời Trần vẫn còn đến ngày nay.
Sau thượng điện, cách một sân hẹp là ngôi nhà dài 11 gian. Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa.
Tháp Phổ Minh
[sửa | sửa mã nguồn]Kiến trúc thời nhà Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh, dựng khoảng từ năm 1305 đến 1308. Tháp cao 19,51 m[4], gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái... Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 mét. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.
Theo các sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Đại Nam nhất thống chí và Nam Định địa dư chí, vào thời Tây Sơn năm 1789, trấn thủ Hải Dương là Trần Túc đã phá tháp Phổ Minh để lấy đồng nhưng khi phá đến tầng thứ 2 hoặc 3 từ trên xuống thấy một luồng hơi đỏ bốc lên, do sợ nên giao xã sửa lại như cũ nhưng không còn đỉnh tháp bằng đồng.[5]
Tấm bia Phổ Minh Bia Ký đã ghi lại năm Gia Long thứ 17 (1818) người dân trong xã đã cử Trần Duy Bản chủ trì việc sửa lại tháp[6]
Trong bức ảnh "407. TONKIN - Nam-Dinh - Pagode consacrê au culte du lingam" chụp khoảng từ năm 1890 đến năm 1945 (không phải bức hình bên trên) có thể thấy tháp Phổ Minh không có đỉnh bút lông như ngày nay.
Vào lần trùng tu tháp năm 1987 do ngành văn hóa tỉnh Nam Định chủ trì đã phát hiện một chiếc quách bằng đá vây quanh một hộp đồng ở tầng thứ 3 từ trên xuống[4][5]
Trong văn học, nghệ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Danh sĩ người xứ Đông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), sống thời Lê–Mạc, đồng thời là một cư sĩ tự nhận (Bạch Vân am cư sĩ), trong một lần qua vùng Sơn Nam Hạ vãn cảnh chùa Phổ Minh chừng hơn một thế kỷ sau loạn giặc Minh xâm lược qua đi, đã để lại bài thơ thất ngôn bát cú Du Phổ Minh tự được đưa vào tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập do chính ông đề tựa:
Du Phổ Minh tự (phiên âm Hán-Việt)
|
Thăm chùa Phổ Minh (dịch nghĩa)
|
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Quyết định 1419/QĐ-TTg năm 2012 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt”. Thư viện pháp luật.
- ^ Tỉnh Nam Định tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh Lưu trữ 2017-01-08 tại Wayback Machine, www.dsvh.gov.vn
- ^ Tinh Vân biên tập (2004). 世界佛敎美術圖典 (bằng tiếng Trung). Đài Loan: Hội Phật Quang Sơn Quốc Tế. tr. 292. ISBN 9789574571482. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2024.
- ^ a b Vũ Thị Hoàng Lan (1 tháng 11 năm 2018). “Tháp Phổ Minh- Một Bảo vật vô giá Trong Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp”. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2023.
- ^ a b Trần Kim Phượng (27 tháng 2 năm 2020). “Bảo tháp chùa Phổ Minh, một trong những nơi lưu giữ xá lỵ của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông- Người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam”. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2023.
- ^ Hồ sơ di tích chùa Phổ Minh, tư liệu Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Thư viện Hoa Sen Lưu trữ 2009-02-07 tại Wayback Machine