Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
Bước tới nội dung

Tấm lợp fibro xi măng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tấm lợp nhà fibro xi măng

Tấm lợp fibro xi măng, đôi khi còn được gọi là tấm lợp AC, tấm lợp xi măng amiăng, hay tấm lợp amiăng, là một loại vật liệu xây dựng, thường dùng lợp mái, làm tưởng bao, che chắn. Tại Việt Nam những năm gần đây việc sử dụng amiăng trong xây dựng đang được đề xuất loại bỏ vì khả năng gây bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư phổi.

Nguồn gốc và thành phần[1]

[sửa | sửa mã nguồn]

Tấm lợp fibro xi măng là một vật liệu khá đặc biệt được bắt đầu nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX, công nghệ sản xuất bắt nguồn từ sản xuất giấy, khác là các sợi giấy được thay thế bằng sợi amiăng, còn cao lanh được thay thế bằng xi măng. Amiăng là nguyên liệu khoáng tự nhiên để sản xuất tấm lợp xi măng amiăng. Kỹ sư người Tiệp Khắc Liudvik Gatchek trong lần sản xuất thử đầu tiên đã cho ra lò những tấm xi măng mỏng kích thước 400 x 400 mm, bề dày 4 mm và gọi đó là tấm fibro xi măng. Các tấm này đã được sản xuất đại trà vào cuối những năm 1920 của thế kỷ trước. Trong thành phần tấm lợp xi măng có xấp xỉ 10% sợi amiăng, độ bền uốn hơn 160 kgc/cm2, bởi vì cứ mỗi 7 - 9 lớp của sản phẩm lại được các sợi amiăng mảnh mai, có tính bám dính lớn xuyên qua.[2]

Tại Nga, những tấm fibro xi măng đầu tiên được sản xuất từ hơn 80 năm trước tại làng Branshin. Tại đây, theo lệnh của Nga Hoàng Nhikolai đệ Nhị, năm 1908 nhà máy sản xuất tấm fibro xi măng đầu tiên đã được xây dựng.

Từ đó, đối với Nga, tấm fibro xi măng trở thành loại vật liệu chuyên dụng làm mái nhà, sau rơm và ván lợp. Tại nhiều nước trên thế giới, các đường ống dẫn nước bằng xi măng amiăng từ những năm 30 của thế kỷ trước vẫn đang được sử dụng. Những hậu quả nặng nề của chiến tranh thế giới lần thứ hai đã phần nào được khắc phục nhờ có các tấm và ống fibro xi măng, và tất cả những điều này có được nhờ những đặc tính kỹ thuật cao của xi măng amiăng bảo đảm trong các tấm luôn có các sợi amiăng với các tính chất tuyệt vời.[3]

Sử dụng tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Tấm lợp fibro xi-măng (hay còn được gọi là tấm amiăng xi-măng) được sản xuất tại Việt Nam từ những năm 1963. Qua gần 60 năm tồn tại, loại tấm này đã chứng minh được tính hữu dụng của nó khi có giá thành rẻ nhưng độ bền cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của bà con có thu nhập thấp, các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm… vì không bị ăn mòn trong điều kiện khí hậu sương muối ở miền núi hay ở vùng biển có độ mặn cao như miền Trung Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, tấm lợp amiăng xi măng là loại tấm lợp hữu dụng, có nhu cầu lớn đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp amiăng xi măng là mặt hàng rất có hiệu quả, dễ huy động, giá rẻ, dễ dàng, đơn giản để tạo ra chỗ ở tạm tránh mưa, nắng, giữ ấm cho người, chỗ trú ngụ cho gia súc và kho chứa nông sản. Sản phẩm tấm lợp amiăng xi măng rẻ tiền nhưng bền, nhẹ, chất lượng tốt, cách nhiệt, mưa không ồn, nắng ít nóng, không bị mọt, hoen gỉ, phù hợp với khí hậu ven biển có độ mặn cao. Ngành sản xuất tấm lợp AC đã có những đóng góp hiệu quả cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai của Chính phủ.[4]

Việt Nam đã từng có 40 nhà máy với 53 dây chuyền, tổng công suất thiết kế 105 triệu m²/ năm; sản lượng đạt khoảng 60 – 80 triệu m²/năm; lượng tiêu thụ đạt khoảng 50 – 80 triệu m²/năm. Ngoài lĩnh vực sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, còn một số lĩnh vực khác cũng sử dụng amiăng trắng như sản xuất má phanh, gioăng, phớt chịu nhiệt, vật liệu bảo ôn, chịu nhiệt cho ngành nhiệt điện, đóng tàu, áo cứu hỏa.

Tranh cãi về nguy cơ sức khỏe

[sửa | sửa mã nguồn]

Tấm lợp fibro xi măng vẫn đang gây tranh cãi về mức độ độc hại đến con người do những ý kiến về nguy cơ của amiang với sức khỏe.

Thực tế tồn tại 2 nhóm sợi khoáng có tên chung thương mại là amiang, đó là nhóm amphibol (amiang nâu và xanh) và nhóm serpentil thường gọi là chryzotil (amiang trắng - AC). Trong đó, mức độ độc hại của nhóm amphibol bị xếp thứ 92 trong danh mục các chất gây độc hàng đầu (CERCLA) do Cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra (ATSDR) của Hoa Kỳ công bố vào năm 2007. Còn amiang trắng xếp thứ 119 về mức độ độc hại. Hiện có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3/4 dân số thế giới cho phép sử dụng amiang trắng (AC) và các sản phẩm chứa amiang trắng.

Những nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng amiăng nâu và xanh có cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm nên khi vào phổi sẽ gây ra các khối u, triệu chứng viêm. Sau 10 – 20 năm ủ bệnh, các khối u sẽ phát tác thành ung thư và các bệnh về phổi. Trong khi đó sợi amiăng trắng có dạng xoắn, xốp mềm khi thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ bị đào thải ra khỏi phổi từ 0,3 – 11 ngày hoặc bị phân huỷ bởi môi trường axit do các đại thực bào tạo ra.

Trong khi các đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các loại amiang đều có khả năng tiềm tàng gây ung thư ở người thì nhiều nghiên cứu khoa học tại Mỹ, Canada, các nước trong khối SNG, Braxin, Ấn Độ, Thái Lan… lại cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nhóm công nhân tiếp xúc với amiang trắng không có khác biệt so với nhóm người không tiếp xúc.[5]

Tại Việt Nam, các nghiên cứu và theo dõi cũng đã được thực hiện để làm rõ về tính an toàn của loại vật liệu này. Trong 10 năm qua (2008-2019) Bệnh viện Xây dựng - Bộ Xây dựng đã triển khai chương trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động cho các đơn vị sản xuất tấm lợp fibro xi măng với các nội dung được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động. Kết quả hội chẩn 10 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng chrysotile.

Năm 2014 - 2016, Bệnh viện Xây dựng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Xây dựng: Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi măng". Đề tài đã tiến hành điều tra trên 2,459 công nhân làm việc trực tiếp tại 32 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng đang hoạt động trên toàn quốc và 100 công nhân sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã nghỉ hưu có tuổi nghề tiếp xúc trực tiếp trên 30 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Chưa phát hiện trường hợp công nhân nào có tổn thương bụi phổi amiăng và các tổn thương ác tính liên quan đến amiăng như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Không phát hiện ra trường hợp nào có tổn thương mảng màng phổi. Khảo sát môi trường tại 30 vị trí khu vực nhà dân xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang cho kết quả không phát hiện ra sợi amiăng trong các mẫu đo.[6][7]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Tấm lợp fibro ximăng với sức khỏe: Có thể sử dụng lâu dài?”. Báo Vietnamnet.
  2. ^ Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam. “Quy trình sản xuất tấm lợp fibro xi-măng”.
  3. ^ “Tấm lợp xi măng amiăng - Bộ Xây dựng”. Website bộ xây dựng.[liên kết hỏng]
  4. ^ “Cần nghiên cứu trung thực, công khai để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiăng trắng”. Báo Đồng Nai.
  5. ^ “Có nên ngừng sử dụng tấm lợp amiang vì sợ ung thư?”. Báo dân trí.
  6. ^ Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam. “Không phát hiện công nhân bị bệnh bụi phổi”.
  7. ^ Sự thật amiăng trắng. “Nghiên cứu trên gần 3000 công nhân ngành tấm lợp và người dân sử dụng tấm lợp fibro xi-măng không thấy trường hợp bị bệnh bụi phổi”.