Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
Bước tới nội dung

Trận Chojnice (1454)

53°42′00″B 17°34′00″Đ / 53,7°B 17,566667°Đ / 53.700000; 17.566667
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Chojnice
Một phần của Chiến tranh Mười ba năm

Tranh màu dầu "Trận Chojnice 1454" của Fritz Grotemeyer khoảng thập niên 1900
Thời gianngày 18 tháng 9 năm 1454
Địa điểm53°42′00″B 17°34′00″Đ / 53,7°B 17,566667°Đ / 53.700000; 17.566667
Kết quả Hiệp sĩ Teuton thắng
Tham chiến
Vương quốc Ba Lan
Liên hiệp Phổ
Hiệp sĩ Teuton
Chỉ huy và lãnh đạo
Casimir IV Jagiellon
Mikołaj Szarlejski
Łukasz Górka
Piotr xứ Szczekociny
Dziersław xứ Rytwiany
Bernhard von Zinnenberg
Rudolf von Sagan
Henrich Reuß von Plauen (trẻ)
Lực lượng
16.000 kỵ binh
hơn 2.500 bộ binh
9.000 kỵ binh
6.000 bộ binh
Thương vong và tổn thất
3.000 bị giết
300 bị bắt
100 bị giết

Trận Chojnice (tiếng Ba Lan: Bitwa pod Chojnicami, tiếng Đức: Schlacht bei Konitz, tiếng Anh: Battle of Chojnice hoặc Battle of Konitz) là trận đánh trong Chiến tranh Mười ba năm diễn ra vào ngày 18 tháng 9 năm 1454 gần Chojnice tại Gdańsk Pomerania, kết thúc với chiến thắng quyết định của quân đội lính đánh thuê giáo đoàn Hiệp sĩ Teuton trước liên quân Ba Lan và Liên hiệp Phổ. Đây cũng là thất bại nặng nề nhất của Vương quốc Ba Lan trong lịch sử đối đầu với Hiệp sĩ Teuton.

Giai đoạn chiến thắng tự phát của Liên hiệp Phổ chống lại giáo đoàn Hiệp sĩ Teuton kết thúc khi Heinrich Reuß von Plauen (trẻ) dẫn các đơn vị lính đánh thuê Teuton chiếm được thành lũy Chojnice kiên cố vào ngày 23 tháng 3 năm 1454. Thất bại này buộc các thành viên Liên hiệp phải triển khai một chiến lược mới. Liên hiệp Phổ tập trung quân và lính đánh thuê bao vây các pháo đài của Teuton ở MalborkSztum trong vùng đồng bằng Wisla. Từ ngày 21 tháng 4 năm 1454, Vương quốc Ba Lan gia nhập phe chống Teuton. Quân Ba Lan phong tỏa Chojnice và tuyến đường từ Đức đến Phổ. Vua Ba Lan Casimir IV Jagiellon không chiêu mộ lính đánh thuê (có thể do thiếu tài lực) đã giao phó việc bao vây thành Chojnice cho quân KujawyDobrzyń. Các lực lượng này thất bại trong việc tái chiếm thành Chojnice.

Để đối phó với viện binh Teuton đến Pomerania gồm các đoàn quân chuyên nghiệp từ ĐứcBohemia vào cuối mùa hè năm 1454, vua Casimir IV không nghe theo lời khuyên của Hồng y Zbigniew Oleśnicki cũng như không lấy ý kiến quốc hội, đã tiến hành triệu tập Hội đồng lãnh chúa Đại Ba Lan và Kujawy. Ngày 15 tháng 9 năm 1454, giới quý tộc họp tại Cerekwica thống nhất ra đặc quyền chống thượng viện và ủy quyền lãnh đạo cho Wielkopolskie. Các chỉ huy quyết định dừng công hãm Chojnice mà thay vào đó quyết chiến với viện binh Teuton tại bờ hồ gần thành.

Ngày 18 tháng 9 năm 1454, mặc dù có được thắng lợi trong đụng độ đầu tiên với đội quân Teuton do Rudolf von Sagan chỉ huy, quân Ba Lan vốn lạc hậu, trang bị cùng chỉ huy kém cỏi đã thảm bại trước binh đoàn chuyên nghiệp của Bernhard von Zinnenberg và von Plauen. Vua Casimir IV buộc phải tháo chạy. Hiệp sĩ Teuton chịu tổn thất 100 quân bao gồm cả chỉ huy là hoàng thân Rudolf nhưng đã đánh tan quân triều đình Ba Lan, hạ 3.000 quân và bắt sống 300 quân. Kết quả trận chiến đã giải vây cho Chojnice và Malbork, tạo tiền đề giúp Hiệp sĩ Teuton phát binh chiếm lại các thành và pháo đài ở Wistula và Powiśle.

Trận đánh bẻ gãy mũi tấn công Ba Lan hướng vào Hiệp sĩ Teuton, khiến uy tín của Vua Casimir IV Jagiellon và Ba Lan suy giảm nghiêm trọng, làm mất khả năng hợp nhất các thành bang Phổ vào Vương quốc Ba Lan, niềm tin của dân thành thị Phổ đối với Liên hiệp Phổ bị lung lay. Đồng thời, trận chiến minh chứng cho sự kém hiệu quả của trọng kỵ binh khi gặp phải những đội quân trang bị vũ khí tầm ngắn nhưng đội hình vững chắc sử dụng pháo binh hoặc các đội lính đánh thuê chuyên nghiệp dùng xe hàng xếp vòng tròn phòng ngự.

Nguồn gốc trận chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc nổi dậy chống Teuton ở Gdańsk Pomerania

[sửa | sửa mã nguồn]
Cối xay lớn ở Gdańsk, bị hội đồng thành phố chiếm giữ vào đầu cuộc nổi dậy chống Teuton tháng 2 năm 1454

Liên hiệp Phổ bắt đầu tuyên bố chống Teuton tại Gdańsk Pomerania khi nhận được tin báo về cuộc nổi dậy ở Toruń. Ngày 5 tháng 2 năm 1454, hội đồng thành phố chính ở Gdańsk đã chiếm giữ Cối xay lớn Gdańsk. Ngày 6 tháng 2 năm 1454, chính quyền thành phố chính thức chống lại Teuton. Ngày 11 tháng 2 năm 1454, sau cuộc bao vây tạm thời, quân do hội đồng Gdańsk điều động giành quyền kiểm soát lâu đài Teuton ở Gdańsk, mua chuộc binh lính đã mất hy vọng vào sự trợ giúp của Đại thống lĩnh Ludwig von Erlichshausen.[1][2] Tuy chưa được Liên hiệp Phổ chấp thuận, chính quyền thành phố quyết định phá hủy ngay các đồn lũy mới chiếm được. Điều này nhằm ngăn cản các thế lực về sau sử dụng chống lại chính quyền.[2]

Pháo đài Teuton vững chắc ở Gdańsk sụp đổ gây ra một cú sốc đối với toàn bộ Gdańsk Pomerania:[2] những thành phần ngầm chống đối Teuton nhanh chóng gia nhập cuộc nổi dậy, giới tăng lữ thì bị xuống tinh thần bắt đầu di tản khỏi Pomerania mà không tham chiến.[3] Ngày 6 tháng 2 năm 1454, Tczew gia nhập Liên hiệp dưới sự chỉ huy của ủy viên hội đồng Gerd Mylingdorp; đồng thời quân Jan Maydenburg chiếm được Tuchola.[4] Hội đồng thành Pomerania gửi yêu cầu được bảo vệ Gdańsk, mở đường cho Liên hiệp Phổ giành quyền kiểm soát Bytów vào ngày 19 tháng 2, Puck, Kościerzyna, Skarszewy và Lębork vào ngày 20 tháng 2.[3]

Các hiệp sĩ Pomerania do Jan z Jani (Jon von der Jene) chỉ huy đã đánh chiếm NoweOsiek. Ngày 7 tháng 2, Jan z Jania bao vây Gniew và chiếm được pháo đài. Theo thỏa thuận với chính quyền Starogard, Jan tự xưng là người đứng đầu Pomerania.[5] Tháng 2 năm 1454, quân Gdańsk đốt phá cơ sở Teuton ở Sobowidz và các pháo đài ở Grabiny và Kiszewo gần Gdańsk.[6][4] Họ không phá hủy mà chiếm đoạt của cải Teuton dẫn đến tranh giành và bất đồng giữa hội đồng Gdańsk và các hiệp sĩ Pomerania, khiến trì hoãn các hành động đánh vào Teuton.[7]

Pháo đài Teuton ở Świecie bị địa phương quân Pomerania bao vây từ ngày 6 tháng 2 rồi tiếp tục bị siết chặt do quân của Otto Machwic tăng cường từ Chełmno, đành chấp nhận đầu hàng trong danh dự vào ngày 20 tháng 2 năm 1454.[8] Chỉ huy Jan Rabe cố gắng tập trung lực lượng bảo vệ Chojnice dựa trên hội đồng thành về phe Teuton. Tuy nhiên, ngày 15 tháng 2 năm 1454, hội đồng bị hội thương nhân nổi lên lật đổ, Jan Rabe phải chuyển cơ sở chỉ huy tới Człuchów. Ngày 21 tháng 2, quân Gdańsk đánh vào khi thành chỉ còn một ít lực lượng có khả năng kháng cự. Ngày 26 tháng 2, pháo đài ở Człuchów cũng như ở CzarneDebrzno thất thủ, Pomerania sạch bóng quân Teuton.[9]

Hiệp sĩ Teuton tái chiếm Chojnice

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 22 tháng 2 năm 1454, theo thỏa thuận ở Berlin, Đại tư lệnh Sachsen là Frederick von Polenz cam kết Neumark Brandenburg đóng số tiền 40.000 florin Rhine vào ngân quỹ của Giáo đoàn Teuton để tạm ứng cho quân đánh thuê.[10] Đồng thời, Teuton vẫn nắm quyền Brandenburg cho đến khi Frederick II Żelazny tiếp quản.[11][12] Có được sự hỗ trợ từ Neumark, Heinrich Reuß von Plauen (trẻ) dẫn khoảng 1.000 lính đánh thuê tiến vào Pomerania. Trong lúc đó, hội đồng Gdańsk và giới hiệp sĩ Pomerania lại đang tranh giành nội bộ tăng cường ảnh hưởng khiến bầu không khí thêm hoảng loạn. Ngày 23 tháng 3 năm 1454, hội đồng lâm thời thành Chojnice đầu hàng Heinrich.[13] Đến ngày 25 tháng 3, hội đồng thân Teuton trước đây được phục hồi.[14] Ngày 24 tháng 3 năm 1454, lính đánh thuê mở cuộc hành quân nhằm chiếm pháo đài Człuchów nhưng bị Vincent Stolle chỉ huy quân Gdańsk đẩy lui.[15]

Tầm quan trọng của pháo đài phòng ngự

[sửa | sửa mã nguồn]
Những bức tường thời Trung cổ ở Chojnice. Trong diễn tiến Chiến tranh Mười ba năm vào thế kỷ 15, việc duy trì các đồn lũy phòng ngự kiên cố là rất quan trọng.

Vị trí địa lý của Gdańsk Pomerania đặt ra những vấn đề đáng kể về hậu cần cho các bên tham gia Chiến tranh Mười ba năm. Địa hình với rừng chiếm đến 70% diện tích cùng nhiều vùng đất ngập nước khiến cho các làng định cư chỉ tập trung ở phía nam Gdańsk Pomerania và lưu vực sông Vistula.[16] Kết quả là các cuộc hành quân lớn chỉ có thể tiến hành dọc theo bờ sông và tuyến đường giao thương, bởi vì nếu xa khu dân cư thì không cung ứng được cho binh mã.[17]

Đồn lũy và pháo đài kiên cố có tầm quan trọng đặc biệt cho quân sự và kinh tế. Chúng là những trung tâm chính của các làng nông nghiệp quây quần và kết nối chặt chẽ với nhau xung quanh. Tại đó, quân lính được tường thành bảo vệ, có thể nhờ vào nguồn cung ứng từ các làng hoặc thậm chí trưng dụng và cưỡng ép dân làng. Hơn nữa, các pháo đài này còn là nơi cung cấp thức ăn cho ngựa, lương thực và vũ khí cho các hoạt động quân sự tại vùng lân cận.[17]

Bao vây Chojnice

[sửa | sửa mã nguồn]

Mất vị trí chiến lược Chojnice khiến tình thế Liên hiệp Phổ trở nên phức tạp, buộc phải đưa thành này vào kế hoạch tác chiến bên cạnh Malbork và Sztum. Thời kỳ bất ngờ đánh nhanh dễ dàng quy phục các đồn Teuton đã qua cùng với sự hiện diện binh đoàn đánh thuê của Teuton tại Gdańsk Pomerania, dân chúng cũng đã giảm sĩ khí chống lại Teuton. Liên hiệp buộc phải tính đến chiến lược trường kỳ.[18][19] Jan z Jani với tư cách đứng đầu Gniew đã huy động Đại úy Mikołaj Szarlejski dẫn 2.200 quân cùng với một số lính đánh thuê Séc và Ba Lan hỗ trợ đánh vào Chojnice.[14] Ngày 1 tháng 4 năm 1454, quân Liên hiệp thất trận gần Kałdów trong kế hoạch bao vây Malbork nên buộc phải tập trung quân tại đồng bằng Vistula để tái bao vây Malbork vào tháng 5. Ngày 8 tháng 8 năm 1454, pháo đài Sztum của Teuton buộc phải đầu hàng.[20]

Do tập trung lực lượng vào Malbork nên cuối tháng 4, Liên hiệp không thể chi viện hay cung ứng cho mặt trận bao vây Chojnice vốn là nơi phòng ngự rất vững chắc. Chỉ huy Szarlejski không nhận được 600 quân tiếp viện và quân phí như yêu cầu, lính đánh thuê không được trả tiền đã không chịu chiến đấu nữa.[21][22][23]

Cuộc hội kiến tại Toruń giữa vua Casimir IV và đại diện Liên hiệp Phổ đưa ra quyết định cụ thể: Liên hiệp tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm thủ phủ Teuton còn vương quốc Ba Lan sẽ nhận trách nhiệm tiếp tục bao vây Chojnice. Mùa hè năm 1454, vua điều quân Kujawy đến, sau đó tiếp tục tăng viện quân triều đình và quân từ Dobrzyń, hầu như đã thay thế hết quân Liên hiệp Phổ bao vây Chojnice.[22]

Bất chấp nạn đói và một phần thành đã bị phá, quân Teuton đồn trú ở Chojnice đã đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Liên hiệp và Ba Lan. Họ không chịu đầu hàng mà trông chờ quân Đức tiếp viện.[19][23][14]

Binh vận Hội đồng lãnh chúa

[sửa | sửa mã nguồn]
Bị nghi ngờ về khả năng cầm quân, vua Casimir IV Jagiellon đã thân chinh cùng quân Ba Lan trong trận Chojnice

Hồng y Zbigniew Oleśnicki là người kiên quyết phản đối việc triệu tập Hội đồng Ba Lan để tập hợp binh lực và khuyên vua Casimir IV kiềm chế hành động quân sự cho đến khi tuyển được một đội quân đánh thuê mạnh.[24] Ông bắt đầu tiến hành lạc quyên cho mục đích này trong giáo phận của mình.[25] Ngoài việc cho rằng quân địa phương từ các lãnh địa mang lại hiệu quả quân sự thấp, hồng y Oleśnicki còn e ngại về ý đồ chính trị khi giới quý tộc trung lưu có khả năng liên kết lại áp đặt yêu sách lên nhà vua làm suy yếu ảnh hưởng thế lực của mình.[26]

Quân tiếp viện Teuton đến Pomerania buộc vương quốc Ba Lan phải hành động ngay lập tức,[22] Đại thượng thư hoàng gia Jan Taszka Koniecpolski họp lại với các quân sư. Hội đồng hoàng gia bị thuyết phục về khả năng tập hợp các lực lượng để giải quyết chiến tranh bằng quân sự.[14] Tình cảnh ngân khố cạn kiệt mà không có đủ nguồn thu[27] bắt buộc phải triệu tập Hội đồng lãnh chúa Đại Ba Lan và Kujawy. Nhà vua công bố quyết định này ở Toruń mà không hỏi ý kiến quốc hội. Cách Chojnice hai dặm (khoảng 15 km) về phía nam, Cerekwica được chỉ định là nơi hội kiến.[22][28]

Ngày 15 tháng 9 năm 1454, giới quý tộc tập hợp lại. Lợi dụng tình thế chiến tranh và khó khăn của vua Casimir IV, các lãnh chúa đưa ra các yêu cầu chính trị như tăng cường vai trò của giới quý tộc trung lưu, giảm chi phí và ảnh hưởng của giới tăng lữ lên việc điều hành vương quốc. Thực hiện các yêu sách này là điều kiện phát binh chống Teuton. Các vấn đề đặt ra cũng phù hợp với chính sách của vua Casimir IV[26][29] đang muốn củng cố tập quyền trung ương, hạn chế quyền lực của giới tu sĩ chuyển cho các lãnh chúa đại diện cho giới quý tộc trung lưu.[30] Việc nhà vua chấp nhận các yêu cầu của giới quý tộc và ban hành đặc quyền giúp các đội quân lãnh chúa địa phương có thể triển khai hành động.[31] Dưới áp lực của hội đồng còn đang gây tranh cãi, nhà vua giao quyền cho những người thiếu kinh nghiệm quân sự từ Wielkopolska và ký thỏa thuận trả lương với các chỉ huy lính đánh thuê Phổ.[32]

Lực lượng và chiến lược các bên

[sửa | sửa mã nguồn]

Vương quốc Ba Lan và Liên hiệp Phổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân Ba Lan được thành lập vào thế kỷ 14 dưới thời trị vì của Casimir III Đại đế và chỉ được cải tổ nhỏ vào đầu triều đại Jagiellon. Tất cả các lãnh chúa sở hữu quân đội đều có nghĩa vụ hưởng ứng lời hiệu triệu của nhà vua tham gia chiến tranh. Các giáo sĩ thay vì đích thân tham gia, được quyền trả tiền người đại diện cho mình trong chiến trận.[33][34] Đơn vị quân cơ bản được huy động là một kỵ binh (kopia) bao gồm một hiệp sĩ và phụ tá đánh xe chở trang thiết bị đi theo.[33] Các kỵ binh được nhóm theo đoàn dưới cờ của lãnh chúa, tu sĩ hoặc theo dòng tộc.[34][35] Ngoài ra, nhà vua cũng có sẵn các đội quân của mình từ các thành hoàng gia và đội kỵ binh triều đình do thống chế chỉ huy.[36]

Kỵ binh kopia đầy đủ giáp trụ

Khi có lệnh hành quân quy mô lớn, mỗi hiệp sĩ phải mang toàn bộ trang thiết bị của mình đến điểm tập kết. Như vậy, chiến lược hành quân hiệu quả phải bao gồm từ hoạch định thời gian và địa điểm hợp lý để có thể nhanh chóng tác chiến trên địa bàn địch quân.[37] Việc này chỉ có thể thực hiện được khi tuân thủ kỷ luật và đòi hỏi chiến lược giả định chính xác và chỉ huy nhất quán.[38][35]

Nhiệm vụ chính của kỵ binh nặng là phá vỡ đội hình đối phương bằng đòn xung kích. Cung thủ đi kèm có vai trò bảo hộ lính kỵ còn bộ binh yểm trợ bao vây hoặc bảo vệ đoàn xe và doanh trại.[37] Nhược điểm của hành quân lớn nằm ở khâu hậu cần và tiếp tế: cần nhiều cỗ xe lớn để chuyên chở và việc đóng trại lâu ngày sẽ không thể cung ứng nổi. Tình trạng thiếu thức ăn cho ngựa là đặc biệt nghiêm trọng, phải tìm kiếm bổ sung ở các khu vực quanh trại.[33] Huy động nhiều kỵ binh của lãnh chúa lại có tác dụng ngược vì ảnh hưởng đến chiến trận khi bao vây phong tỏa dài ngày.[39] Do đó, các hoạt động quân sự chỉ có thể thực hiện bên trong hoặc lân cận các làng mạc dân cư hay các thành.[40] Bên ngoài khu vực dân cư chỉ có thể hành quân trên các tuyến đường có thể vận chuyển được.[17]

Đặc quyền Košice năm 1374 giúp giới quý tộc khi tham gia quân dịch sẽ được miễn thuế và hưởng thù lao, nhưng đồng thời khiến quân triều đình Ba Lan bị giảm sức chiến đấu, việc vương quốc Ba Lan có thể tham gia chiến tranh phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng chi trả của quốc khố.[41] Vào thế kỷ 14 và 15, Władysław II Jagiełło lúc đầu cố gắng duy trì kỷ luật cao quân lãnh chúa, nhưng đã dẫn đến sự lạm quyền cho giới tăng lữ và quý tộc trung lưu cạnh tranh với nhau.[42] Khi được huy động, giới quý tộc luôn đưa ra các yêu sách, nếu được đáp ứng thì mới chịu xuất quân.[43] Việc Ba Lan tham gia chiến tranh Hungary và bại trận Varna đã làm cạn kiệt quốc khố, bắt buộc mỗi khi hiệu triệu đều phải đáp ứng yêu sách của giới quý tộc.[44][42]

Giáo đoàn Hiệp sĩ Teuton

[sửa | sửa mã nguồn]
Cổng Człuchowska năm tầng ở Chojnice có từ nửa sau thế kỷ 14

Cuộc nổi dậy tại Pomerania và chiến thuật chiếm nhanh đồn Teuton của Liên hiệp Phổ đã bị chững lại và không còn hiệu quả từ đầu năm 1454. Các cơ sở chính của Teuton thường nhóm lại thành tu viện.[45] Đây thường là nơi con cái của các nghị viên Đức dấn thân đi tu vào giáo đoàn. Tin tức về các đồn thất thủ khiến hầu hết các tu sĩ bỏ về Đức, một số ở lại hoặc chưa kịp di chuyển thì bị giết hại. Các tu viện bị đóng cửa và đa số không được mở lại nữa.[46]

Giải pháp duy nhất để duy trì phòng ngự là sử dụng lính đánh thuê. Thủ quỹ giáo đoàn Eberhard Kinsberg mang toàn bộ khoản tiền lớn (vốn dự định dùng mua chuộc Ba Lan) đến Bohemia để tiến hành phương án này.[47][48] Ngày 7 tháng 4 năm 1454, giáo đoàn cũng lấy thêm được tiền từ Brandenburg theo cam kết của Neumark.[49]

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế kỷ 14 cùng sự suy giảm tầm quan trọng của giới hiệp sĩ đã thúc đẩy thị trường lính đánh thuê ở các bang tộc Đức phát triển. Để bảo vệ lợi ích của chính mình, các thành phố thuê những đội quân chuyên nghiệp, ban đầu chủ yếu là kỵ cung thủ. Thị trường lính đánh thuê dần phát triển đa dạng tùy theo mục đích như bộ binh phòng vệ hoặc lính dùng thang công thành.[50]

Teuton tuyển mộ các binh đoàn lính đánh thuê nhằm chiếm ưu thế ban đầu trên chiến trường nhưng tiềm lực kinh tế của giáo đoàn vào đầu chiến tranh còn rất hạn chế.[51]

Các cảng rơi vào tay Liên hiệp Phổ khiến không thể chuyển quân đến Pomerania bằng đường biển, bắt buộc phải khai thông tuyến đường bộ nối Frankfurt trên sông Oder với Malbork, chạy qua Chojnice. Ngày 23 tháng 3 năm 1454, thành phố chiến lược này bị vị chỉ huy tài ba của Teuton là Heinrich Reuß von Plauen (trẻ) đánh chiếm. Heinrich là một tướng dày dạn kinh nghiệm từng tham gia trận Pillenreuth mang tính quyết định giữa Brandenburg và Nuremberg ngày 11 tháng 3 năm 1450.[52]

Trận chiến

[sửa | sửa mã nguồn]
Giáp tấm kín người phong cách gothic

Đội hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân triều đình Ba Lan

[sửa | sửa mã nguồn]

Số lượng quân triều đình ước khoảng 16.500 người. Chủ lực là 12.000 kỵ mã chia thành 7 đoàn (chorągiew), trợ chiến có 1.000 hiệp sĩ Pomerania ủng hộ Liên hiệp Phổ, 1.500-2.000 kỵ binh đánh thuê, 500 ngự lâm quân, 1.000 lính bộ binh đánh thuê và lính Gdańsk. Ngoài ra còn tới 4.000 hầu cận nhưng chỉ một bộ phận nhỏ được trang bị vũ khí.[53] Tư tưởng chiến thuật truyền thống lúc này là sử dụng kỵ binh nặng tấn công dồn dập hàng loạt với mục đích quân chủ lực giải quyết trận chiến trong một cuộc đụng độ ngắn và nhanh gọn. Áp dụng chiến thuật này, việc bao vây Chojnice tạm dừng lại, tất cả quân Ba Lan và Liên hiệp tập trung lại ở bờ đông hồ Teuton gần thành. Từ sáng ngày 18 tháng 9 năm 1454, quân Ba Lan chia nhóm phòng thủ và tấn công án ngữ trên tuyến đường từ Chojnice đến TucholaKrojanty. Đội hình này nhằm đương đầu với quân Teuton chủ yếu là kỵ binh nặng được kỵ cung thủ yểm trợ và tránh bị phản công từ vị trí thuận lợi vào doanh trại đóng trên đồi. Trại phía đông không nằm trong kế hoạch tác chiến của quân Ba Lan.[54][55][56]

Quân Ba Lan hoàn toàn không có tổng chỉ huy điều binh khiển tướng. Vua Casimir IV với năng lực yếu kém đã không chỉ định ai làm tổng chỉ huy, phần cũng vì khả năng chiến trường của các tướng Mikolaj Szarlejski, Łukasz I Górka, Dziersław xứ Rytwiany và Stanisław Ostroroga đều ngang nhau.[26][57]

Hiệp sĩ Teuton

[sửa | sửa mã nguồn]

Gần 15.000 quân tiếp viện Teuton đến từ hướng Debrzno bao gồm 60% kỵ binh và 40% bộ binh, dẫn theo đội xe hàng tham gia vào trận chiến. Bên cạnh đó, quân Teuton còn có thể trông cậy vào khoảng 1.000 quân ở Chojnice. Lính đánh thuê Teuton bao quanh là kỵ binh hộ tống bắt đầu di chuyển men theo bờ hồ từ phía tây hướng về Chojnice mà không hề có dấu hiệu sẽ tấn công quân Ba Lan hoặc mục đích chính chỉ là dụ quân đối phương ra khỏi các vị trí phòng thủ thuận lợi.[58][59]

Diễn biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn I - Quân Ba Lan tấn công

[sửa | sửa mã nguồn]

Đội hình chờ đợi quá lâu đã mất kiên nhẫn cộng với quân Teuton đang diễu qua như khiêu khích trước mắt, quân Ba Lan không thể kiềm chế nổi nữa. Lựa chọn phương pháp tác chiến thiếu linh hoạt và không lường đến hiệu quả sức mạnh vũ khí khác nhau, quân Ba Lan đơn thuần chỉ huy động toàn lực kỵ binh vào chiến thuật đánh nhanh. Trước sức ép của kỵ binh lãnh chúa vô kỷ luật, các chỉ huy quyết định tiến đánh quân Teuton trên địa thế bất lợi. Quân Ba Lan xông tới đê chắn hồ với ý đồ chọc thủng lớp kỵ binh phòng thủ Teuton.[60][23][54]

Sau khi vượt qua con đê, kỵ binh nặng Ba Lan tấn công kỵ binh Teuton đông hơn và trang bị kém hơn, dễ dàng phá vỡ đội hình buộc quân Teuton phải bỏ chạy. Chỉ huy quân hộ tống Rudolf von Sagan tử trận còn Bernhard von Zinnenberg bị bắt làm tù binh (về sau trốn thoát được). Một phần kỵ binh Teuton thoát khỏi trận chiến chạy về Chojnice, còn đa số bại quân rút lui về phía bộ binh và xe hàng.[61]

Giai đoạn II - Teuton phản công

[sửa | sửa mã nguồn]

Bất chấp việc mất hai tướng chỉ huy, bộ binh Teuton điều khiển xe hàng không hề rối loạn,[62] kháng cự và đứng vững trước các cuộc tấn công tiếp theo. Tấn công không hiệu quả, kỵ binh Ba Lan buộc phải dừng lại để lập thế trận bao vây trại chính Teuton. Thời gian này đủ để kỵ binh Teuton bị tán loạn trong giáp công đầu tiên tập hợp lại. Đồng thời, quân trong thành Chojnice được tăng cường thêm kỵ binh chạy về từ trận chiến đã tổ chức xuất binh qua Cổng Gdańsk.[23][58]

Quân Teuton rời thành Chojnice tấn công doanh trại và hậu quân Ba Lan không hề được phòng thủ. Quân Ba Lan lập tức rối loạn. Kỵ binh đang vây trại Teuton vội bỏ chạy. Một phần kỵ binh tìm cách rút lui về phía Człuchów, phần còn lại cố gắng thoát thân theo con đê dẫn về bờ đông của hồ. Bernhard von Zinnenberg tự thoát ra và dẫn quân truy đuổi gây tổn thất đáng kể cho quân Ba Lan đang chạy trốn. Nhiều kỵ binh bị đẩy ra khỏi đê chết đuối trong hồ hoặc bị quân Teuton truy sát trong khu vực đầm lầy quanh đó. Tình thế trầm trọng hơn sau khi Piotr xứ Szczekociny tử trận và Poznań Łukasz Górka, Brzeg-Kuyavian Mikołaj Szarlejski cùng Wojciech Kostka chỉ huy quân Postupice Pomerania bị bắt. Doanh trại thất thủ, vua Casimir IV được quân hộ tống thoát khỏi chiến trường chạy trốn.[63][64][23][14]

Quân Ba Lan thảm bại, đội hình quân lãnh chúa địa phương tan vỡ hoàn toàn. Hơn 3.000 quân chết tại trận và 300 bị bắt làm tù binh. Bên Teuton chỉ với 100 lính tử trận đã chiếm được trại Ba Lan cùng toàn bộ vật tư, lương thực của vua Casimir IV. Quân thắng trận cũng thu nhận lại được tài vật và chiến lợi phẩm đáng kể[23][65] do binh lính Ba Lan cướp bóc nhà thờ và thường dân khi hành quân qua Phổ.[14] Tài cầm quân của chỉ huy Teuton là Bernhard von Zinnberg được chứng thực và tán dương rộng rãi.[62]

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Trận Chojnice đã giải vây cho Pháo đài Malbork khỏi Liên hiệp Phổ năm 1454

Trận chiến kết thúc với thất bại quân sự lớn nhất của Ba Lan trong thời Trung cổ.[66] Đồng thời, đây cũng trận thua thảm hại nhất của Vương quốc Ba Lan khi đối đầu Hiệp sĩ Teuton. Cú sốc bại trận kéo theo cả vương triều suy sụp, làm lung lay tinh thần ủng hộ Liên hiệp Phổ mới khai mào vào mùa xuân 1454.[65] Tin bại trận của Casimir IV giáng đòn tâm lý cho đoàn quân đang bao vây Malbork sợ hãi bỏ cuộc.[14] Ngày 21 tháng 9 năm 1454, quân Gdańsk bỏ trại Wielbark rút lui, chính thức chấm dứt bao vây Malbork.[67]

Hệ quả tức thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Tận dụng thắng lợi mang tính quyết định này, Bernhard von Zinneberg nhanh chóng xua quân Teuton về lãnh thổ đối phương.[68] Dấu ấn Chojnice khiếp hãi đến mức một số quan chức đã chạy khỏi Pomerania và Powiśle là những thành lũy tiêu biểu chống Teuton trước đó. Tình thế này tạo cơ hội cho những người ủng hộ Teuton ở lại. Đáp lại lời kêu gọi của Đại thống lĩnh, một số thành đã xin ân xá tha tội phản loạn và được tái nhập trở lại dưới quyền lực giáo đoàn.[69] Ngày 27 tháng 9 năm 1454, sau hai ngày bị vây, Tczew đầu hàng von Zinnenberg.[70][71] Cùng ngày, Teuton chiếm được Gniew do quân của Jan z Jani bỏ rơi vì chủ tướng đã bị bắt trong trận Chojnice.[70] Pháo đài Kwidzyn được tiếp viện từ Grudziądz [72]pháo đài Nowe ở Wisłą được tăng cường từ Starogard nên vẫn trung thành với vua Casimir IV.[73]

Lo sợ Teuton chiếm tiếp các thành khác, vua Casimir IV ủy quyền cai quản các quận vùng biên cho Công quốc Słupsk, trao vĩnh viễn thành LęborkBytów về Công tước Słupsk và Eric xứ Pomenaria.[74]

Chiến tranh Mười ba năm

[sửa | sửa mã nguồn]

Ấn tượng về thất bại của Casimir IV tại trận Chojnice khiến các thành bang Phổ có xu hướng quay về với giáo đoàn Teuton, gia tăng niềm tin rằng việc hợp nhất Liên hiệp Phổ vào Vương quốc Ba Lan chỉ là tình trạng tạm thời.[74][65] Tình thế này buộc vua và các thủ lĩnh Liên hiệp Phổ phải ngừng tấn công Teuton và tập trung một số đơn vị lính đánh thuê tại các thành Phổ chiến lược phòng ngừa bị tái chiếm.[75] Những kế hoạch này chỉ thành công một phần. Liên hiệp Phổ cố gắng duy trì quyền kiểm soát bằng cách trấn áp các cuộc nổi dậy ủng hộ Teuton ở Toruń, Gdańsk và Chełmno. Mùa xuân năm 1455, phe Casimir IV không còn đủ tiềm lực phòng ngự dàn trải nên đã mất 23 trên 56 thành về phe Hiệp sĩ Teuton.[27] Hậu quả lớn nhất có thể kể đến việc quân Liên hiệp phải rút khỏi Königsberg và bỏ trống các thành Hạ Phổ do lưu vực sông Pregolyasông Łyna nổi dậy muốn trở lại thần phục Đại thống lĩnh Teuton. Kết quả là Hiệp sĩ Teuton khôi phục được quyền lực ở Phổ.[76][27]

Liên minh Ba Lan - Litva

[sửa | sửa mã nguồn]

Thảm bại tại Chojnice làm vương quốc Ba Lan yếu thế khi tranh chấp quyền lực nội bộ với Đại công quốc Lietuva trong Liên minh Jagiellon. Việc này thể hiện rõ nhất qua sự phân chia VolhyniaPodolia sau khi anh trai của Władysław II JagiełłoŚwidrygiełło vốn cai trị ở đây qua đời. Kế hoạch di chuyển nghị viên Hội đồng Liên minh đến Ba Lan cũng bất thành vì phải cung ứng quân binh bảo vệ các thành thân Ba Lan chống lại Teuton.[25] Trận Chojnice mang lại cho Đại công quốc Lietuva những phần lãnh thổ giá trị từ Teuton, bao gồm cả cửa sông Nemansông Pregolya. Trong khi các bên giao tranh hao tốn nhiều tài lực, Litva lại vẫn thu được ích lợi nên đã không tích cực tham gia Chiến tranh Mười ba năm cho dù có những nỗ lực của vua Casimir IV.[27]

Diễn biến tiếp theo

[sửa | sửa mã nguồn]

Tình hình Gdańsk Pomerania

[sửa | sửa mã nguồn]
Đại thống lĩnh Ludwig von Erlichshausen thương thảo với tướng chỉ huy lính đánh thuê

Đà tiến quân của Teuton dừng lại do thiếu tiền. Mùa thu năm 1454, Teuton thỏa thuận dừng binh với một số thế lực mạnh trong Liên hiệp Phổ.[77] Sau khi chiếm Tczew, lực lượng lính đánh thuê làm nên đại thắng Chojnice đến Malbork đưa ra yêu cầu tài chính với Đại thống lĩnh von Erlichshausen. Kết quả của thương thảo Malbork không giải quyết được số tiền còn nợ cũng như cung cấp tài lực cho hoạt động quân sự tiếp theo nên lính đánh thuê từ chối tiến binh. Những tháng đầu tiên sau trận chiến, quân còn lại ở Chojnice án binh bất động.[78][71]

Cuối năm 1454 và đầu năm 1455, các hoạt động quân sự được chuyển sang hữu ngạn sông Vistula, Vương quốc Ba Lan tổ chức đánh lớn vào Malbork. Ngày 18 tháng 12 năm 1454, quân Ba Lan thất bại khi bao vây thành Łasin kiên cố ở Chełmno, do thiếu pháo và đạn dược nên không hạ được thành.[79] Ngày 9 tháng 1 năm 1455, thành tiếp tục đẩy lui quân Ba Lan trong cuộc tấn công duy nhất. Ngày 13 tháng 1, quân Ba Lan rút lui do mệt mỏi trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt.[80]

Tường thành Dębrzno bị quân Teuton công hạ tháng 6 năm 1455

Lợi dụng tình hình quân Ba Lan đang tập trung ở Đông Chelmno, Đại thống lĩnh von Erlischhausen tập hợp một đạo quân gồm binh đoàn cấp baliwat cộng với lính đánh thuê ở Malbork, được thường dân hỗ trợ xe hàng và xe trượt tuyết. Sau khi được tăng cường thêm từ Tczew, tổng đoàn quân khoảng 2.000 binh sĩ. Đoàn quân khởi hành nhắm hướng Vịnh Gdańsk, tiến hành cướp phá làng mạc dọc theo bờ sông Radunia. Chiều ngày 13 tháng 1 năm 1455, đoàn quân tới đồi Biskupia Górka, chuẩn bị hướng tới Thành Mới Gdańsk thân Teuton.[71][81] Quân Gdańsk rời thành đón đánh và giết 600 quân Teuton buộc đoàn quân của Đại thống lĩnh phải rút lui.[81][74][82] Trận thắng Biskupia Górka giúp Liên hiệp Phổ duy trì kiểm soát Gdańsk và tạo nên thành công lớn về sĩ khí, đồng thời giúp cho thành Gdańsk có vị trí chính trị chiến lược trong Liên hiệp Phổ.[83] Đầu tháng 4 năm 1455, Gdańsk và Toruń hoàn tất đàm phán hiệp ước phòng thủ chung sông Vistula.[84].

Kaspar Nostitz ở Chojnice năm 1455

[sửa | sửa mã nguồn]
Lâu đài Człuchów - điểm kháng cự của Ba Lan ở Gdańsk Pomerania trong Chiến tranh Mười ba năm

Ngày 21 tháng 12 năm 1454, quân Teuton trú đóng Chojnice được tăng cường 500 lính dưới sự chỉ huy của một tướng đánh thuê thiện chiến là Kaspar Nostitz. Nostiz đến thay thế cho Mikołaj Wolfersdorf đã không có bất kỳ hành động nào sau thỏa thuận Malbork ngày 9 tháng 10 năm 1454.[85]

Ngày 13 tháng 6 năm 1455, lợi dụng Liên hiệp Phổ gặp khó khăn, binh sĩ tại Stargard và Nowy không được trả lương và từ chối cầm vũ khí, Nostitz dùng mưu lừa hạ thành Czarne và tàn sát những người ủng hộ Liên hiệp. Ngày 24 tháng 6, ông chiêu hàng Debrzno. Nostitz tiếp tục đột phá chiếm Krajna và thiêu rụi Łobżenica, Złotowo và Krajenka.[86] Quân Teuton chỉ bị chặn lại ở Człuchów vào tháng 7 năm 1455. Chiến lợi phẩm cùng với nguồn thuế thu từ các làng Pomerania bị chiếm đóng đã cải thiện đáng kể chiến phí cho Teuton.[87][23]

Ngày 10 tháng 7 năm 1455, quân Teuton ở Gniew đột kích thành cảng Świecie, tiêu diệt hoặc bắt sống quân Pomerania đồn trú[88] nhưng không đánh vào pháo đài Świecie.[86]

Mùa hè năm 1455, Gdańsk vẫn giữ vững vị trí trung tâm thân Ba Lan quan trọng duy nhất ở Pomerania.[57][89] Từ đó, vua Casimir IV nỗ lực chiếm lại Chojnice và các thành khác ở Pomerania vào năm 1461.[23] Teuton chính thức mất ưu thế quân sự ở tỉnh này sau trận Świecino năm 1462.[90][91]

Ba Lan cải cách quân đội

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản sao xe hàng chiến đấu Hussite kết hợp lại tạo thành lớp phòng ngự kiên cố. Kỹ thuật chiến tranh Hussite đã cách mạng hóa quân đội ở Trung Âu vào giữa thế kỷ 15.

Đại bại Chojnice cho thấy cần phải xây dựng lại hệ thống quân sự Ba Lan vốn không được cải tổ kể từ triều đại Piast cuối cùng. Hiệp sĩ kỵ binh nặng không còn thích hợp trong hoạt động bao vây hoặc khi đối đầu với các lực lượng lính đánh thuê chuyên nghiệp.[92][26] Ngoài nhu cầu hậu cần lớn phải đóng trại gần điểm bao vây, nhược điểm chính là hành quân hàng loạt mà không đa dạng được vũ khí và chiến thuật.[60] Hơn nữa, giới hiệp sĩ trung lưu luôn lợi dụng cơ hội triệu tập hội đồng quý tộc để đưa ra yêu sách chính trị và đòi hỏi đặc quyền.[93] Ngoài ra, hiệp sĩ địa phương còn ít tập luyện, sức chiến đấu kém, vô kỷ luật làm suy giảm khả năng trên chiến trường.[94][95][96]

Dưới ảnh hưởng của thất bại Chojnice, vua Casimir IV đã nỗ lực cải tổ quân đội trong suốt Chiến tranh Mười ba năm đến tận năm 1461 nhưng không mấy thành công.[97] Tuy áp dụng một số biện pháp như đưa xe hàng vào hàng phòng ngự (wagenburg) trong chiến đấu[98] hay siết chặt hình phạt với các lãnh chúa không đáp ứng hiệu triệu,[97] nhưng quân đội Ba Lan vẫn không được cải tổ toàn diện do quốc khố cạn kiệt.[38] Thất bại về sau của quân lãnh chúa địa phương buộc nhà vua phải hành động và thuyết phục giới quý tộc và giáo sĩ thành lập quân đội chuyên nghiệp[99][100] và áp đặt nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với các thành phố.[101] Quyết định này chính thức được đưa ra sau trận vây hãm Chojnice bất thành tiếp theo ngày 18 tháng 9 năm 1461. Lãnh chúa quý tộc đồng ý đóng góp chi phí cho các hoạt động quân sự kế tiếp[102][103] và từ đó cho đến cuối thế kỷ 15, vua Ba Lan chỉ triệu tập hành quân chung hai lần.[104]

Trong văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày nay, trận Chonjnice được tưởng nhớ qua các giải đấu hiệp sĩ và sự tái hiện lịch sử bên bờ hào thành cổ.[105][106]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Rogalski 1846, tr. 286.
  2. ^ a b c Biskup 2014, tr. 130.
  3. ^ a b Biskup 2014, tr. 131.
  4. ^ a b Barkowski 2017, tr. 253.
  5. ^ Biskup 2014, tr. 132.
  6. ^ Biskup 2014, tr. 131-133.
  7. ^ Biskup 2014, tr. 133.
  8. ^ Biskup 2014, tr. 134.
  9. ^ Biskup 2014, tr. 135-138.
  10. ^ Rogalski 1846, tr. 293.
  11. ^ Rogalski 1846, tr. 298.
  12. ^ Biskup 2014, tr. 169.
  13. ^ Biskup 2014, tr. 170-172.
  14. ^ a b c d e f g Geschichte der Czerlinski.
  15. ^ Dyskant 2009, tr. 99-100.
  16. ^ Biskup 2014, tr. 55-56.
  17. ^ a b c Biskup 2014, tr. 57.
  18. ^ Dyskant 2009, tr. 99.
  19. ^ a b Biskup 2014, tr. 25-26.
  20. ^ Dyskant 2009, tr. 101-102.
  21. ^ Dyskant 2009, tr. 101.
  22. ^ a b c d Biskup 1990, tr. 26.
  23. ^ a b c d e f g h Bez ducha walki...
  24. ^ Jasienica 1992, tr. 189-190.
  25. ^ a b Nowak 2017, tr. 416.
  26. ^ a b c d Jasienica 1992, tr. 190.
  27. ^ a b c d Jasienica 1992, tr. 191.
  28. ^ Jędrzej 1846, tr. 44.
  29. ^ Baczkowski 1999, tr. 173.
  30. ^ Baczkowski 1999, tr. 170-173.
  31. ^ Biskup 2014, tr. 261-262.
  32. ^ Biskup 2014, tr. 263.
  33. ^ a b c Biskup 2014, tr. 66-67.
  34. ^ a b Jasienica 1992, tr. 331-332.
  35. ^ a b Łopatecki 2013, tr. 38-39.
  36. ^ Biskup 2014, tr. 68.
  37. ^ a b Biskup 2014, tr. 69-71.
  38. ^ a b Biskup 2014, tr. 725-726.
  39. ^ Biskup 2014, tr. 75-76.
  40. ^ Biskup 2014, tr. 56.
  41. ^ Jasienica 2009, tr. 89.
  42. ^ a b Zamoyski 2009, tr. 58-60.
  43. ^ Davies 1996, tr. 232.
  44. ^ Baczkowski 1999, tr. 152-153.
  45. ^ Biskup 1990, tr. 24.
  46. ^ Biskup 2014, tr. 80.
  47. ^ Biskup 1990, tr. 15.
  48. ^ Jasienica 1992, tr. 187.
  49. ^ Biskup 1990, tr. 25.
  50. ^ Biskup 2014, tr. 85.
  51. ^ Biskup 2014, tr. 61-63.
  52. ^ Biskup 2014, tr. 87.
  53. ^ Biskup 2014, tr. 264-265.
  54. ^ a b Biskup 1990, tr. 26-27.
  55. ^ Baczkowski 1999, tr. 215-16.
  56. ^ Biskup 2014, tr. 268.
  57. ^ a b Baczkowski 1999, tr. 215.
  58. ^ a b Biskup 1990, tr. 27.
  59. ^ Biskup 2014, tr. 270-272.
  60. ^ a b Baczkowski 1999, tr. 261.
  61. ^ Biskup 2014, tr. 273.
  62. ^ a b Schultz 1887, tr. 86.
  63. ^ Biskup 2014, tr. 273-274.
  64. ^ Biskup 1990, tr. 27-28.
  65. ^ a b c Biskup 1990, tr. 28.
  66. ^ Nowaczyk 2012, tr. 5.
  67. ^ Dyskant 2009, tr. 103.
  68. ^ Schultz 1887, tr. 87.
  69. ^ Biskup 2014, tr. 285-286.
  70. ^ a b Biskup 2014, tr. 291-292.
  71. ^ a b c Reuss von Plauen Henryk.
  72. ^ Biskup 2014, tr. 288.
  73. ^ Biskup 2014, tr. 292.
  74. ^ a b c Dyskant 2009, tr. 104.
  75. ^ Biskup 2014, tr. 285–287, 329.
  76. ^ Dyskant 2009, tr. 109.
  77. ^ Biskup 2014, tr. 295.
  78. ^ Biskup 2014, tr. 299-300.
  79. ^ Biskup 2014, tr. 322.
  80. ^ Biskup 2014, tr. 327.
  81. ^ a b Biskup 2014, tr. 328.
  82. ^ Rogalski 1846, tr. 304.
  83. ^ Biskup 2014, tr. 329.
  84. ^ Dyskant 2009, tr. 105-106.
  85. ^ Biskup 2014, tr. 319.
  86. ^ a b Dyskant 2009, tr. 110.
  87. ^ Biskup 2014, tr. 388-389.
  88. ^ Biskup 2014, tr. 388=389.
  89. ^ Biskup 1952, tr. 94–96.
  90. ^ Biskup 2014, tr. 633-634.
  91. ^ Dyskant 2009, tr. 142.
  92. ^ Biskup 2014, tr. 66.
  93. ^ Baczkowski 1999, tr. 125.
  94. ^ Davies 1996, tr. 242.
  95. ^ Baczkowski 1999, tr. 260-261.
  96. ^ Biskup 2014, tr. 719.
  97. ^ a b Biskup 2014, tr. 721.
  98. ^ Biskup 2014, tr. 727.
  99. ^ Nowak 2017, tr. 419.
  100. ^ Jasienica 1992, tr. 191, 193.
  101. ^ Jasienica 1992, tr. 199.
  102. ^ Biskup 2014, tr. 601.
  103. ^ Jasienica 1992, tr. 193.
  104. ^ Nowaczyk 2012, tr. 203.
  105. ^ Zaproszenie bractw rycerskich...
  106. ^ Jubileuszowy Turniej Rycerski.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Barkowski, Robert (2017). Historia wojen gdańskich.Średniowiecze [Lịch sử chiến tranh Gdańsk thời trung cổ] (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Bellona. ISBN 978-83-11-14343-2.
  • Knopek, Jacek; Kuffel, Bogdan (2004). Bitwa pod Chojnicami 18 IX 1454 r. w tradycji historycznej i regionalnej [Trận Chojnice ngày 18 tháng 9 năm 1454 theo truyền thống lịch sử địa phương] (bằng tiếng Ba Lan). Chojnice: Urząd Miejski w Chojnicach. ISBN 8391940578.
  • Dyskant, Józef (2009). Zatoka Świeża 1463 (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Bellona. ISBN 978-83-11-11571-2.
  • Biskup, Marian (1952). “Stosunek Gdańska do Kazimierza Jagiellończyka w okresie Wojny Trzynastoletniej 1453-1466” [Thái độ Gdańsk đối với Casimir Jagiellon trong Chiến tranh Mười ba năm 1453-1466]. Roczniki Towarzystwa Naukowego w Toruniu (bằng tiếng Ba Lan). Toruń.
  • Biskup, Marian (1990). Wojna trzynastoletnia i powrót Polski nad Bałtyk w XV wieku [Chiến tranh Mười ba năm và Ba Lan trở lại biển Baltic thế kỷ 15] (bằng tiếng Ba Lan). Kraków: Krajowa Agencja Wydawnicza. ISBN 978-83-11-11571-2.
  • Biskup, Marian (2014). Trzynastoletnia wojna z Zakonem Krzyżackim 1454-1466 [Chiến tranh Mười ba năm với Giáo đoàn Teuton 1454-1466] (bằng tiếng Ba Lan). Oświęcim: Napoleon V. ISBN 978-83-7889-288-5.
  • Baczkowski, Krzysztof (1999). Dzieje Polski późnośredniowiecznej (1370–1506) [Lịch sử Ba Lan cuối trung cổ] (bằng tiếng Ba Lan). Kraków: Fogra. ISBN 83-85719-40-7.
  • Davies, Norman (1996). Boże igrzysko [Ván cờ của Chúa] (bằng tiếng Ba Lan). I . Kraków: Społeczny Instytut Wydawniczy „Znak”. ISBN 83-7006-506-6.
  • Jasienica, Paweł (1992). Polska Jagiellonów [Ba Lan triều đại Jagiellon] (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Państwowy Instytut Wydawniczy. ISBN 83-06-01796-X.
  • Jasienica, Paweł (1992). Polska Piastów [Ba Lan triều đại Piast] (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Państwowy Instytut Wydawniczy. ISBN 83-06-01795-1.
  • Jasienica, Paweł (2009). Ostatnia z rodu [Người cuối cùng trong gia tộc] (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Prószyński Media sp. z o.o. ISBN 978-83-7648-135-7.
  • Jędrzej, Moraczewski (1846). Dzieje Rzeczypospolitej Polskiej z drugiej połowy piętnastego wieku [Lịch sử Cộng hòa Ba Lan từ nửa sau thế kỷ 15] (bằng tiếng Ba Lan). Poznań: Napoleon Kamieński i Spółka.
  • Łopatecki, Karol (2013). Organizacja, prawo i dyscyplina w polskim i litewskim pospolitym ruszeniu (do połowy XVII wieku) [Tổ chức, luật pháp và kỷ luật trong Hội đồng lãnh chúa Ba Lan và Litva (đến giữa thế kỷ 17)] (bằng tiếng Ba Lan). Białystok: Instytut Badań nad Dziedzictwem Kulturowym Europy. ISBN 978-83-64103-00-1.
  • Nowak, Andrzej (2017). Dzieje Polski. Tom 3: 1340-1468 Królestwo zwycięskiego orła [Lịch sử Ba Lan. Tập 3: 1340-1468 Vương quốc đại bàng chiến thắng] (bằng tiếng Ba Lan). Kraków: Biały Kruk. ISBN 978-83-7553-223-4.
  • Nowaczyk, Bernard (2012). Chojnice 1454. Świecino 1462 (bằng tiếng Ba Lan). Warszawa: Bellona. ISBN 978-83-11-12337-3.
  • Rogalski, Leon (1846). Dzieje Krzyżaków oraz ich stosunki z Polską, Litwą i Prussami [Lịch sử Hiệp sĩ Teuton và quan hệ với Ba Lan, Litva, Phổ] (bằng tiếng Ba Lan). II. Warszawa: Samuel Orgelbrand.
  • Schultz, Franz (1887). “Bernhard von Zinnenberg, Heerführer im dreizehnjährigen Städtekriege” [Bernhard von Zinnenberg, tướng chỉ huy trong chiến tranh Mười ba năm]. Zeitschrift des Westpreussischen Geschichtsvereins (bằng tiếng Đức). XXII.
  • Zamoyski, Adam (2009). Polska. Opowieść o dziejach niezwykłego narodu 966-2008 [Ba Lan - Câu chuyện lịch sử về một quốc gia phi thường 966-2008] (bằng tiếng Ba Lan). Wydawnictwo Literackie. ISBN 978-83-08-04684-5.
  • “1454 do 1466. Bez ducha walki...” [1454-1466 Không tinh thần chiến đấu] (bằng tiếng Ba Lan). Historia Chojnic. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2020.
  • Malotka, J. “Geschichte der Czerlinski” [Lịch sử Czerlin] (bằng tiếng Đức). czerlinski.de. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2020.
  • “Jubileuszowy Turniej Rycerski” [Giải đấu hiệp sĩ Jubilee] (bằng tiếng Ba Lan). ngày 23 tháng 8 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2020.
  • “Reuss von Plauen Henryk - Wielki Mistrz Krzyżacki” [Reuss von Plauen Henryk - Đại thống lĩnh Hiệp sĩ Teuton] (bằng tiếng Ba Lan). Dawny Tczew. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2020.
  • “Zaproszenie bractw rycerskich na 11 Turniej Rycerski” [Mời tham dự Giải đấu hiệp sĩ lần thứ 11] (bằng tiếng Ba Lan). chojnice.com. ngày 12 tháng 7 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2020.