Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
Bước tới nội dung

Vitamin C

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vitamin C
Dữ liệu lâm sàng
Đồng nghĩaL-ascorbat
Danh mục cho thai kỳ
  • A
Dược đồ sử dụngMiệng
Mã ATC
Tình trạng pháp lý
Tình trạng pháp lý
  • Có sẵn công cộng
Dữ liệu dược động học
Sinh khả dụngNhanh & trọn vẹn
Liên kết protein huyết tươngKhông đáng kể
Chu kỳ bán rã sinh học16 ngày (3,4 h ở những người có nồng độ quá cao vitamin C)
Bài tiếtThận
Các định danh
Tên IUPAC
  • 2-oxo-L-threo-hexono-1,4- lactone-2,3-enediol
    or
    (R)-3,4-dihydroxy-5-((S)- 1,2-dihydroxyethyl)furan-2(5H)-one
Số đăng ký CAS
PubChem CID
Số EE300 (chống oxi hóa, ...) Sửa dữ liệu tại Wikidata
ECHA InfoCard100.000.061
Dữ liệu hóa lý
Công thức hóa họcC6H8O6
Khối lượng phân tử176,14 g/mol
Điểm nóng chảy190 đến 192 °C (374 đến 378 °F) Phân hủy

Vitamin C, hay acid ascorbic là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho các loài linh trưởng bậc cao, và cho một số nhỏ các loài khác. Sự hiện diện của ascorbic là cần thiết trong một loạt các phản ứng trao đổi chất trong tất cả các động vật và cây cối và được tạo ra trong cơ thể bởi hầu như tất cả các cơ thể sinh vật, loại trừ loài người, khỉ, cá heo do thiếu enzyme đặc hiệu xúc tác chuyển hóa Glucose thành Vitamin C. Đây là một chất được mọi người biết đến rộng rãi là một vitamin mà thiếu nó thì sẽ gây ra bệnh scorbut cho con người.[1][2][3].

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi cùi trắng như cam, chanh, quýt, (Hàm lượng vitamin C trong rau quả phân phối không đều, có nhiều ở lớp vỏ hơn ở ruột, ở lá nhiều hơn ở cuống và thân rau) và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, cải brussel,rau cải, cà chua, cải xoong, cam, quýt, chanh, bưởi

Trong thiên nhiên, vitamin C có trong hầu hết các loại rau quả tươi. Thông thường, các loại rau quả trồng ở nơi đầy đủ ánh sáng có hàm lượng vitamin C cao hơn. Nếu tính số mg vitamin C có trong 100g rau quả ăn được (mg%) theo "Bảng thành phần hóa học thức ăn Việt Nam" (Nhà xuất bản Y học - 1972) thì nó có nhiều nhất trong rau ngót (185 mg%), sau đó là cần tây (150 mg%), rau mùi (140 mg%), kinh giới (110 mg%), rau đay (77%mg), súp lơ, rau thơm, su hào, rau diếp, rau muống... Trong các loại quả thì nhiều nhất là thanh trà (177 mg%), sau đó là bưởi (95 mg%), thị (81 mg%), ổi (62 mg%), nhãn (58 mg%), đu đủ chín (54 mg%), quýt, cam, chanh, vải, dứa...

Tính chất

[sửa | sửa mã nguồn]

Vitamin C ở dạng tinh thể trắng, rất dễ tan trong nước,tan trong ethanol 96 khó tan trong rượu,thực tế không tan trong ether và clorofom, không tan trong các dung môi hữu cơ, tồn tại được ở 100 °C trong môi trường trung tính và acid, bị oxy hóa bởi Oxi trong không khí và càng bị oxy hóa nhanh khi có sự hiện diện của FeCu

Rối loạn liên quan đến vitamin C

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiếu vitamin C

[sửa | sửa mã nguồn]

Không như hầu hết các loài động vật khác, cơ thể người không thể tự sản xuất vitamin C. một bệnh do thiếu hụt vitamin C đã được nhiều sách vở mô tả là bệnh scorbut (scurvy). Các triệu chứng kinh điển của bệnh này gồm: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da (mảng xuất huyết dưới da, dân gian thường gọi là "vết ma cắn"). Thêm vào đó là sự dễ bị nhiễm trùng, hysteriatrầm cảm cũng là những tiêu chuẩn chẩn đoán.

Bệnh Scurvy đã ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh nhân Ai Cập, La MãThành Rome cổ đại. Bệnh này gắn liền với lịch sử Thế giới vì tỷ lệ cung cấp vitamin C không đầy đủ trong những chiến dịch quân sự và trong các cuộc hành trình trên biển dài ngày. Đã có những giai đoạn lịch sử mà bệnh scurvy lan tràn rộng khắp như một bệnh dịch. Từ năm 1556 đến 1857, đã có 114 dịch scurvy được báo cáo suốt trong các tháng mùa đông, lúc mà không thể cung cấp đầy đủ nguồn rau xanh. Các chiến binh trên các cuộc hải trình dài ngày còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Một số nhà thám hiểm, như Jacques Cartier năm 1856, đã nhận thấy rằng ăn một số loại thức ăn nào đó có thể làm giảm được tình trạng bệnh. Ông đã cùng thủy thủ đoàn ăn loại cây lá kim vân sam; một số thủy thủ đoàn khác ăn cam, chanh, chanh lá cam, …. Năm 1742, Jame Lind, một bác sĩ người Scotland, đã viết một bài thảo luận chính thức đầu tiên về khả năng gây bệnh scurvy do thiếu hụt dinh dưỡng. Theo kinh nghiệm của Lind, ông cho biết các bệnh nhân scurvy có thể phục hồi sau khi cho dùng nước cam. Mặc dù có một số nhà thám hiểm đã ủng hộ những khám phá của Lind – như thủy thủ đoàn của thuyền trưởng Jame Cook đã hoàn toàn tránh được scurvy trong 3 cuộc hành trình dài ngày trên biển từ 1768 đến 1779 – Thủy quân Anh quốc vẫn chưa chấp nhận việc sử dụng nước cam chanh cho các thủy thủ mãi đến năm 1804, tức 62 năm sau những khám phá của Lind. Xu hướng ngày nay người ta chấp nhận chế độ dinh dưỡng toàn diện nhờ nhiều khám phá mới về vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất, trong đó có vitamin C.

Vitamin C được định nghĩa là "yếu tố chống scorbus", được Albert Szent-Györgyi phân lập năm 1928. Gần 70 năm sau, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra nhiều lợi ích của vitamin C trên sức khỏe. Ngày nay mặc dù bệnh scurvy hiếm gặp trong xã hội chúng ta, thiếu hụt vitamin C ở mức độ cận lâm sàng và mức độ giới hạn dưới cũng khá phổ biến, đặc biệt là ở người già.

Thiếu vitamin C gây ra bệnh scorbut, với biểu hiện:

  • Người lớn: viêm lợi, chảy máu chân răng; tụ máu dưới màng xương, đốm xuất huyết, tăng sừng hóa ở nang lông. Nếu không điều trị có thể tử vong do chảy máu ồ ạt hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim.
  • Trẻ còn bú: thường do chế độ ăn nhân tạo, bị chảy máu dưới mằng xương, nhất là chi dưới; dễ chảy máu dưới da; vết thương lâu lành.

Thừa vitamin C

[sửa | sửa mã nguồn]

Vitamin C tuy ít tích luỹ nhưng nếu dùng liều cao lâu ngày, có thể tạo sỏi oxalat (do dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic), hoặc sỏi thận urat, có khi cả hai loại sỏi trên; đi lỏng, rối loạn tiêu hóa; giảm độ bền hồng cầu.

Dùng vitamin C liều cao kéo dài ở thai phụ gây tăng nhu cầu bất thường về vitamin C ở thai (vì vitamin C qua rau thai) dẫn đến bệnh scorbut sớm ở trẻ sơ sinh.

Cơ chế tác dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Acid ascorbic bị oxy hóa cho acid dehydroascorbic; đây là phản ứng oxy hóa khử thuận nghịch, qua đó Vitamin C tác dụng như một đồng yếu tố (cofactor), tham gia vào nhiều phản ứng hóa sinh trong cơ thể, như:

  • Hydroxyl hóa,
  • Amid hóa;
  • Làm dễ dàng sự chuyển prolin, lysin sang hydroxyprolin và hydroxylysin (trong tổng hợp collagen);
  • Giúp chuyển acid folic thành acid folinic trong tổng hợp carnitin;
  • Tham gia xúc tác oxy hóa thuốc qua microsom (cytochrom P450) gan;
  • Giúp dopamin hydroxyl hoá thành nor-adrenalin;
  • Giúp dễ hấp thu sắt do khử Fe3+ thành Fe2+ ở dạ dày, để rồi dễ hấp thụ ở ruột.
  • Ở mô, Vitamin C giúp tổng hợp collagen, proteoglycan và các thành phần hữu cơ khác ở răng, xương, nội mô mao mạch.
  • Trong thiên nhiên, Vitamin C có mặt cùng vitamin P (vitamin C2). Vitamin P lại có tính chống oxy hóa, nên bảo vệ được Vitamin C; hơn nữa Vitamin P còn hiệp đồng với Vitamin C để làm bền vững thành mạch, tăng tạo collagen, ức chế hyaluronidase và cùng Vitamin C, Vitamin E, β-caroten và selen, tham gia thanh thải gốc tự do có hại trong cơ thể.

Tác động có lợi

[sửa | sửa mã nguồn]

Chức năng chủ yếu của vitamin C là sự sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể. Đặc biệt, vitamin C giúp nối kết một phần của phân tử amino acid proline để hình thành hydroxyproline. Kết quả là, sự cấu trúc nên collagen rất ổn định. Collagen không những là một protein rất quan trọng trong việc liên kết các cấu trúc cơ thể với nhau (mô liên kết, sụn khớp, dây chằng, vv..), vitamin C còn hết sức cần thiết cho sự lành vết thương, sự mạnh khỏe của nướu răng, và ngăn ngừa các mảng bầm ở da.

Thêm vào đó, vitamin C còn có chức năng miễn dịch, tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormon, tổng hợp carnitine, hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa rất quan trọng.

Nhiều người đã xác nhận Vitamin C làm tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt trong ngăn ngừa và điều trị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm kết quả thuận lợi, người ta vẫn còn tranh cãi nhau kịch liệt về hiệu lực của Vitamin C. theo một quan điểm về sinh hóa, Vitamin C đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều cơ chế miễn dịch. Sự nhiễm trùng nhanh chóng làm suy giảm lượng dự trữ Vitamin C trong các bạch cầu, nhất là Lymphocyte, và thiếu hụt Vitamin C

Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa trong môi trường nước của cơ thể – cả nội bào lẫn ngoại bào. Đây là phương cách bảo vệ đầu tiên của Vitamin C. Trong khi đó vitamin E là một chất chống oxy hóa tan trong mỡ. Vitamin C cũng hoạt động cùng với các enzyme chống oxy hóa khác như glutathione peroxidadase, catalase, và superoxide dismutase. Vitamin C còn hỗ trợ cho Vitamin E trong vai trò chống oxy hóa trong cơ thể, do vậy tăng cường hiệu lực của Vitamin E.

Cùng với Vitamin C và E, glutathione đảm đương vai trò chống đỡ và ngăn ngừa các tổn thương do các gốc tự do. Những cá thể bị thiếu glutathione di truyền (do thiếu men tổng hợp) có thương tổn tế bào tăng đáng kể. Các tế bào hồng cầu, bạch cầu và mô thần kinh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hậu quả là vỡ hồng cầu, giảm chức năng bạch cầu, thoái hóa mô thần kinh.

Trên các cá thể bị giảm tổng hợp glutathione, để tăng cường khả năng chống oxy hóa, người ta thường dùng các chất chống oxy hóa như glutathione, 2-mercaptopropionyl-glycin, Vitamin E, Vitamin C, và N-acetylcysteine (NAC), trong đó Vitamin C và NAC có ích lợi nhiều nhất. Các nghiên cứu đã cho thấy Vitamin C làm giảm tổn thương tế bào trên các bệnh nhân thiếu glutathione di truyền hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn NAC. Với liều 500 mg mỗi ngày, Vitamin C đảm bảo duy trì nồng độ phù hợp glutathione hồng cầu.

Dạng hiện có

[sửa | sửa mã nguồn]
Viên sủi chứa vitamin C.
Viên sủi chứa vitamin C.
Viên sủi chứa vitamin C.

Vitamin C hiện có rất nhiều dạng – tinh thể, bột, viên nhộng, viên nén, viên nén phóng thích hẹn giờ,… Thực tế Vitamin C trong các dạng này khác nhau. Acid ascorbic là dạng rẻ tiền và được sử dụng rộng rãi nhất. Các dạng đệm cho Vitamin C như muối Natri, magnesium, Calcium, Kali ascorbate. Các dạng đệm này được dùng chủ yếu vì đôi khi acid ascorbic ảnh hưởng đến dạ dày. Mặt hạn chế của các dạng này rất hiếm, như dạng muối Natri ascorbate ảnh hưởng lên một số bệnh nhân nhạy cảm với Natri (như suy thận). Hầu hết các dạng Vitamin C thương mại đều có nguồn gốc từ ngũ cốc. Đối với những người nhạy cảm với ngũ cốc nên sử dụng Vitamin C có nguồn gốc khác, như từ cây cọ sagu (sago-palm).

Gần đây một dạng mới là C ester (Ester-C) bắt đầu thâm nhập vào thị trường. Theo các nhà sản xuất, Ester là một mắc xích giữa các đơn vị lặp lại trong công thức Ester-C giúp cho việc hấp thụ và sử dụng của cơ thể. Tuy nhiên các nghiên cứu về hấp thụ chưa cho thấy dạng này tốt hơn. Đồng thời Ester-C còn đắt gấp 3 lần so với dạng thường.

Sử dụng Vitamin C cùng với bioflavonoid có thể làm tăng khả năng hấp thu, nhưng với điều kiện hàm lượng bioflavonoid trong sản phẩm phải đáng kể (khi hàm lượng bioflavonoid lớn hơn hoặc bằng hàm lượng Vitamin C thì sự hấp thu của Vitamin C tăng lên đáng kể). Nói chung thì, dạng đơn giản và kinh tế nhất, phù hợp cho mọi người nhất đơn giản là acid ascorbic.

Ứng dụng lâm sàng

[sửa | sửa mã nguồn]

Đã có hàng loạt nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trên lâm sàng và trong cộng đồng chứng tỏ tính hữu ích khi sử dụng vitamin C qua rất nhiều cách: giảm tỷ lệ ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống ô nhiễm và thuốc lá, thúc đẩy quá trình hàn gắn vết thương, tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu còn cho thấy sử dụng vitamin C hữu ích cho rất nhiều tình trạng sức khỏe của cơ thể nhờ đặc tính chống oxy hóa và tăng cường khả năng miễn dịch của nó. Do đó, vitamin C là một thành phần quan trọng không thể thiếu của hầu hết các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và mọi chương trình dinh dưỡng khác.

Chỉ định và liều dùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Chỉ định

[sửa | sửa mã nguồn]

Phòng và chữa bệnh scorbut, các chứng chảy máu do thiếu vitamin C, tăng sức đề kháng trong nhiễm khuẩn, nhiễm độc, mệt mỏi, thai nghén, thiếu máu, dị ứng, người nghiện thuốc nghiện rượu…

Liều dùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Uống 0,2 - 0,5 gam/ngày (không nên vượt quá 1 gam/ngày)

Trẻ em dùng liều ½ liều này, nên chia thành nhiều lần trong ngày.

Vitamin C và các bệnh lý liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe mà vitamin C hỗ trợ như

[sửa | sửa mã nguồn]

Hen suyễn, Xơ vữa động mạch, Rối loạn miễn dịch, Ung thư, Bệnh nấm Candida, Giòn mao mạch (giảm sức bền thành mạch), Đục thủy tinh thể, Cảm cúm, Lành vết thương, Loạn sản đốt sống cổ, Bệnh Crohn, Bệnh mạch vành, Đái tháo đường, Chàm, Mệt mỏi, Bệnh túi mật, Viêm lợi răng, Tăng nhãn áp (Glaucoma), Chấn thương thể thao, Viêm gan, Herpes simplex, Herpes zoster, Tăng huyết áp, Phát ban, Vô sinh, Nhiễm trùng, Thoái hóa võng mạc, Mãn kinh, Loét da, Sa van 2 lá, Viêm xương khớp, Bệnh Parkinson, Bệnh viêm nha chu, Loét dạ dày, Bệnh động mạch ngoại biên, Bệnh xơ cứng rải rác (bệnh Charcot), Tiền sản giật, Viêm khớp dạng thấp.

Hen suyễn và các trường hợp dị ứng khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Hen suyễn thường phát triển nhiều ở trẻ em và người trẻ hơn 20 tuổi. Tỷ lệ bệnh ngày càng gia tăng, do nhiều nguyên nhân, như: tăng stress đối với hệ miễn dịch (do tăng các chất hóa học độc hại trong không khí, nước, thực phẩm, …), trẻ nhũ nhi dứt sữa sớm và ăn dặm sớm bằng thức ăn rắn, dùng nhiều gia vị trong thức ăn, thêm vào đó là các kỹ thuật lai tạo di truyền các giống cây trồng hình thành nên những loại thực phẩm có nhiều khả năng gây dị ứng.

Một số nghiên cứu chứng tỏ thiếu hụt Vitamin C trong thực phẩm và trong máu là một yếu tố nguy cơ độc lập của hen suyễn. Con của những người nghiện thuốc lá có nguy cơ hen suyễn cao hơn những đứa trẻ khác, do thuốc lá làm cạn kiệt nguồn Vitamin C và E ở phổi), và triệu chứng hen tiếp tục tiếp diễn đến tuổi trưởng thành với môi trường ngày càng ô nhiễm bởi các chất oxy hóa. Sử dụng chế phẩm bổ sung Vitamin C giúp giảm nguy cơ này.

Tại phổi, về mặt sinh lý, Vitamin C đóng vai trò chất chống oxy hóa chủ chốt trên bề mặt khí đạo, thực hiện vai trò chống đỡ và ngăn chặn các tổn thương do các chất oxy hóa nội sinh lẫn ngoại sinh, đặc biệt là Oxide Nitric.

Về phương diện lâm sàng, những bệnh nhân hen suyễn có nhu cầu Viatmin C cao hơn những người khác trong cộng đồng. Từ năm 1973 đã có 11 nghiên cứu lâm sàng về vai trò của Vitamin C trên hen suyễn. 7 trong số đó chứng tỏ Vitamin C cải thiện đáng kể các thông số hô hấp và các triệu chứng suyễn.

Liều cao Vitamin C hữu ích cho các bệnh nhân hen suyễn nhờ làm giảm nồng độ Histamine, và tất nhiên hiệu quả tốt cho các tình trạng dị ứng khác. Nó được xem như là một chất kháng Histamine tự nhiên, có nhiều lợi điểm nổi bật, bao gồm cả tính an toàn, và gần đây người ta còn phát hiện ra tính ức chế miễn dịch của Histamine. Trong giai đoạn đầu của đáp ứng miễn dịch, Histamine khuếch đại đáp ứng này bằng cách làm tăng tính thấm thành mạch và tăng co cơ trơn, nhờ đó gia tăng dòng yếu tố miễn dịch vào khu vực bị viêm nhiễm. Tiếp sau đó, Histamine lại ngăn chặn sự tập trung bạch cầu vào khu vực viêm trong nỗ lực ngăn chặn đáp ứng miễn dịch.

Vitamine C kháng Histamine nhờ nhiều cơ chế. Đặc biệt nó ngăn chặn sự phóng thích Histamine từ các bạch cầu và tăng cường hiệu quả giải độc của Histamine. Một nghiên cứu gần đây khảo sát tác động kháng Histamine của Vitamin C sử dụng ngắn hạn và dài hạn và hiệu quả của nó trên chức năng bạch cầu đa nhân trung tính ở những người khỏe mạnh. Trong nghiên cứu dùng Vitamin C dài hạn, liều 2 g/ngày. Mẫu máu lúc đói lấy vào 2 tuần đầu và tuần thứ 6 lúc kết thúc cho thấy nồng độ Vitamin C máu tăng cao đáng kể trong khi nồng độ Histamine giảm 38%. Khả năng hóa ứng động bạch cầu trong các phản ứng viêm tăng 19%, giảm đến 30% sau khi ngưng dùng Vitamin C. Tuy nhiên những thay đổi này đều có liên quan đến nồng độ Histamine. Khả năng hóa ứng động bạch cầu lớn nhất khi nồng độ Histamine nhỏ nhất. Đối với việc sử dụng Vitamin C ngắn hạn, người ta không thấy có sự thay đổi nào về nồng độ Histamine máu và khả năng hóa ứng động bạch cầu 4 giờ sau khi dùng liều Vitamin C duy nhất. Do vậy nghiên cứu này khuyến cáo những người có xu hướng dễ bị dị ứng hay nhiễm trùng nên sử dụng Vitamin C dài hạn qua các chế phẩm bổ sung Vitamin C.

Hàng loạt nghiên cứu trong cộng đồng đã chứng tỏ việc sử dụng chế độ dinh dưỡng giàu Vitamin C làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ (và nhiều nguyên nhân khác, bao gồm cả ung thư).

Một trong những nghiên cứu chi tiết nhất phân tích việc sử dụng Vitamin C trên 11.348 người trưởng thành trong 5 năm, được chia thành 3 nhóm: (1) Nhập ít hơn 50 mg Vitamin C mỗi ngày qua thực phẩm; (2) Nhập nhiều hơn 50 mg/ngày (không dùng thuốc); và (3) Hơn 50 mg/ngày qua thực phẩm cộng với thuốc bổ sung (tính bằng mg). Kết quả cho thấy tử suất của nhóm nhập trên 50 mg/ngày thấp hơn tử suất trung bình của người trưởng thành đến 48% về các bệnh tim mạch và tử suất toàn bộ. Về mặt lâm sàng, điều này tương ứng với sự kéo dài tuổi thọ ở nam 5 – 7 năm và ở nữ 1 – 3 năm.

Làm cách nào Vitamin C có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch? Trước tiên nó hoạt động như một chất chống oxy hóa, kế đến nó củng cố sự vững chắc cấu trúc collagen của thành động mạch, giảm nồng độ cholesterol toàn phần máu, giảm huyết áp, tăng nồng độ HDL-cholesterol, ức chế sự kết tập tiểu cầu.

Các tổn thương oxy hóa của LDL-cholesterol đóng vai trò trung tâm trong sự hình thành xơ vữa động mạch. Vitamin C ngăn chặn sự oxy hóa LDL hết sức hữu hiệu, ngay cả đối với người hút thuốc lá. Hơn nữa, vì vitamin C phục hồi và tái tạo Vitaqmin E từ dạng bị oxy hóa trong cơ thể, nên nó tăng cường hiệu lực chống oxy hóa của Vitamin E.

Nhiều nghiên cứu và quan sát lâm sàng cho thấy nồng độ Vitamin C tỷ lệ thuận với nồng độ Cholesterol toàn phần và nồng độ HDL-cholesterol máu. Một trong những nghiên cứu tiêu chuẩn nhất đã xác định nồng độ Vitamin C máu càng cao thì nồng độ LDL, Triglyceride càng thấp đồng thời nồng độ HDL càng cao. Lợi ích của HDL trên các bệnh lý tim mạch là rất to lớn. Cứ mỗi 0.5 mg Vitamin C tăng lên trong 100 mL máu tương ứng với tăng HDL 14.9 mg/100 ml ở nữ và 2.1 mg/100 ml ở nam. Cứ tăng HDL 1% thì nguy cơ bệnh tim mạch giảm 4%. Ngay cả những người bình thường khỏe mạnh có chế độ dinh dưỡng tốt, nồng độ Vitamin C máu bình thường việc cung cấp thêm Vitamin C qua chế phẩm bổ sung vẫn có lợi, tuy nhiêu hiệu lực này có ngưỡng giới hạn. Ngưỡng giới hạn này vào khoảng thấp hơn 215 mg/ngày cho nữ và 345 mg/ngày cho nam.

Các nghiên cứu lâm sàng và cộng đồng chứng tỏ nồng độ Vitamin C máu tỷ lệ nghịch với huyết áp; nghĩa là càng nhập nhiều Vitamin C thì huyết áp càng giảm. Hàng loạt nghiên cứu sơ bộ cho thấy hiệu quả giảm huyết áp nhẹ của Vitamin C (ví dụ giảm 5 mm Hg) trên các bệnh nhân tăng huyết áp trung bình.

Một trong những cách mà Vitamin C giúp duy trì huyết áp trong giới hạn bình thường là thúc đẩy bài tiết Chì. Sự phơi nhiễm Chì mạn tính do ô nhiễm môi trường, bao gồm cả nước uống, có liên quan đến tăng huyết áp và tăng tử suất các bệnh tim mạch. Những vùng dân sử dụng nước mưa có nồng độ Chì cao trong nước uống, và dân cư vùng này có nguy cơ cao huyết áp. Hơn nữa, nước mưa còn có nồng độ calcium và magnesium thấp – hai chất khoáng này hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chống tăng huyết áp.

Cầu nối mạch vành

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong bệnh viện thường ít sử dụng Vitamin C bổ sung, mặc dù khả năng thiếu hụt Vitamin C rất cao ở các bệnh nhân nhập viện. Để minh họa cho nhu cầu bổ sung Vitamin C trong bệnh viện, một nghiên cứu phân tích tình trạng Vitamin C trên các bệnh nhân phẫu thuật nối tắt mạch vành. Nồng độ Vitamin C huyết tương tụt xuống 70% 24 giờ sau phẫu thuật và còn duy trì ở mức thấp này 2 tuần hậu phẫu. Ngược lại, nồng độ Vitamin E và Carotenoid không thay đổi đáng kể, có lẽ do chúng là các Vitamin tan trong mỡ nên được cơ thể tích trữ lâu dài. Sự cạn kiệt nguồn dự trữ Vitamin C làm suy yếu khả năng chống đỡ bệnh tật do các gốc tự do, nhiễm trùng, hàn gắn vết thương trên các bệnh nhân này. Do đó, Vitamin C bổ sung là hết sức cần thiết cho các bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau mổ nói chung và hậu phẫu cầu nối mạch vành nói riêng.

Vitamin C đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong bảo vệ cơ thể chống ung thư, bao gồm hoạt động chống oxy hóa và bảo vệ cấu trúc tế bào (gồm DNA) tránh các tổn thương. Vitamin C cũng giúp cơ thể đương đầu với ô nhiễm môi trường, tăng cường chức năng miễn dịch, ức chế sự hình thành các hợp chất sinh ung trong cơ thể.

Các bằng chứng dịch tễ học về vai trò bảo vệ cơ thể chống ung thư của vitamin C là không thể chối cãi. Ăn nhiều vitamin C thực sự làm giảm nguy cơ của tất cả các dạng ung thư, gồm ung thư phổi, đại tràng, ung thư vú, cổ tử cung, thực quản, khoang miệng, và ung thư tụy. Điểm mấu chốt từ tất cả các nghiên cứu này là khẳng định một lần nữa mọi người cần phải sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin C hay các chế phẩm bổ sung vitamin C. Hàu hết các nghiên cứu này tập trung vào khả năng ngăn ngừa ung thư của vitamin C, carotene hay những dưỡng chất tương tự trong thực phẩm mà ít chú ý đến các chế phẩm bổ sung.

Trong 11 khảo sát về vai trò chống ung thư phổi của Vitamin C, 9 khảo sát cho thấy giảm nguy cơ ung thư với liều cao. Năm trong số này kết quả khá rõ ràng, và bốn trong đó chứng minh rằng Vitamin C hữu hiệu hơn cả beta-carotene. Gladys Block, một tác giả đi tiên phong trong phong trào sử dụng chất chống oxy hóa ngăn ngừa ung thư tại Mỹ, đã viết rằng: "Những nghiên cứu gần đây cho thấy Vitamin C là một yếu tố bảo vệ chống ung thư phổi độc lập và hữu hiệu còn hơn cả beta-carotene như đã từng đề cập trước đây".

Ung thư miệng, thực quản và dạ dày

[sửa | sửa mã nguồn]

7 trên 8 nghiên cứu về ung thư vòm miệng cho thấy ăn ít vitamin C là yếu tố nguy cơ cao. Những người ăn ít nhất vitamin C hàng ngày có nguy cơ ung thư vòm miệng cao gấp 2 lần so với người ăn nhiều nhất. Kết quả cũng tương tự trên ung thư thực quản. Trong khi đó 16/16 nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nhiều vitamin C hàng ngày có hiệu quả đáng kể trong bảo vệ chống ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày có liên quan mật thiết với một số hợp chất sinh ung được biết như nitrosamine. Nitrosamine sinh ra nhiều khi ăn các dạng thịt hun khói. Vitamin C ức chế đáng kể sự hình thành nitrosamine. Ung thư vú

Một phân tích hồi cứu về vai trò của các yếu tố dinh dưỡng trên ung thư vú kết luận rằng "Vitamin C là một yếu tố bảo vệ hữu hiệu nhất giúp cơ thể chống lại các yếu tố nguy cơ ung thư vú". Nồng độ vitamin C còn quan trọng hơn cả acid béo bão hòa, beta-carotene và vitamin E.

Nguy cơ bị ung thư CTC tăng lên đột ngột khi lượng Vitamin C nhập vào giảm sút. Phụ nữ ăn vào ít hơn 88 mg Vitamin C mỗi ngày có nguy cơ ung thư CTC cao gấp 4 lần so với những người ăn vào nhiều hơn. Những trường hợp loạn sản CTC (một dạng tiền ung thư) và ung thư biểu mô tại chỗ có lượng nhập và nồng độ Vitamin C máu thấp hơn những phụ nữ CTC bình thường. Như vậy sự nhập Vitamin C không đầy đủ là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với loạn sản CTC và ung thư biểu mô tại chỗ CTC.

6 trong 7 nghiên cứu chứng tỏ nhập nhiều Vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tụy tạng. Nguy cơ ung thư này tăng gấp 2,6 lần ở những người nhập ít hơn 70 mg Vitamin C mỗi ngày so với những người nhập nhiều hơn 159 mg/ngày.

Vai trò bảo vệ của Vitamin C trong ung thư đại tràng được chứng minh qua 6/8 nghiên cứu, hầu hết làm giảm nguy cơ 2 lần. Theo Viện Ung Thư học Quốc gia Hoa Kỳ, Vitamin C còn làm giảm sự hình thành các hợp chất sinh ung do vi khuẩn ở đại tràng tạo ra.

Điều trị ung thư

[sửa | sửa mã nguồn]

Xu hướng chung của điều trị ung thư rất khó chấp nhận việc sử dụng vitamin C và các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng tương tự. Tuy nhiên, vấn đề trước hết là chúng ta hãy mở rộng thế giới quan đầu óc và thay đổi quan điểm, để dần dần làm mất đi những phản ứng cho rằng chế phẩm dinh dưỡng là không khoa học.

Năm 1976, Bác sĩ Linus Pauling, một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 với 2 lần đoạt giải Nobel, đã đưa Vitamin C lên vũ đài khoa học khi báo cáo kết quả nghiên cứu của ông cùng với Bác sĩ Ewan Cameron. Pauling và Cameron đã cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sử dụng Vitamin C 10 g/ngày. 16 trong số 100 bệnh nhân này đã sống sót sau hơn 1 năm.

Tiếp sau đó, Cameron đã thực hiện một nghiên cứu tương tự trên một mẫu lớn hơn, 1826 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. 294 bệnh nhân được dùng Vitamin C liều cao (10 g/ngày). 1532 bệnh nhân còn lại xem như nhóm chứng. Kết quả phân tích cho thấy những bệnh nhân được sử dụng acid ascorbic có thời gian sống thêm gấp đôi so với nhóm chứng (343 ngày so với 180 ngày).

Nhiều nhà phê bình vẫn chưa công nhận những kết quả của Pauling và Cameron. Theo họ, các nghiên cứu này không phải là nghiên cứu mù đôi, nên kết quả không đảm bảo. Một số nghiên cứu kiểm chứng đã bác bỏ kết luận của hai ông. Dù sao đi nữa, việc sử dụng Vitamin C trong ung thư là có lợi, trước hết vì nó bù đắp vào nồng độ bị thiếu hụt trên những bệnh nhân này, đồng thời nó còn làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Đục thủy tinh thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Những người bị đục thủy tinh thể, người có nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể và thoái hóa võng mạc cần có chế độ dinh dưỡng giàu Vitamin C và E, selenium, carotene. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa này làm chậm tiến trình đục thủy tinh thể và cải thiện thị lực. Nồng độ Vitamin C trong máu bình thường vào khoảng 0,5 mg/100 ml máu, ngược lại trong các tuyến thượng thận, tuyến yên, nồng độ Vitamin C cao gấp 100 lần, còn trong gan, lách, thủy tinh thể: gấp 20 lần. Cơ thể phải sử dụng khá nhiều năng lượng để bơm Vitamin C ngược gradient nồng độ từ máu vào các cơ quan này. Do đó chúng ta cần phải cung cấp nhiều Vitamin C mỗi ngày nhằm nâng cao nồng độ trong máu, giảm bớt sự chênh lệch nồng độ giữa máu và các mô hoạt động.

Cảm lạnh thông thường

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để khảo sát vai trò của Vitamin C trên cảm cúm, đặc biệt là khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Đã 20 năm trôi qua kể từ khi Linus Pauling viết Vitamin C và Cảm cúm (dựa trên quan điểm của ông và hàng loạt nghiên cứu chứng tỏ Vitamin C có thể làm giảm các triệu chứng nặng lẫn thời gian nhiễm bệnh), người ta vẫn còn tranh luận về hiệu quả lâm sàng của nó.

Hiện người ta khuyến cáo sử dụng Vitamin C cho các trường hợp nhiễm trùng cấp tính, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Mặc dù chỉ với liều thấp, Vitamin C cũng có thể làm cải thiện đáng kể các triệu chứng lâm sàng. Nên sử dụng Vitamin C trên tất cả các bệnh nhân lớn tuổi nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Vì insulin hỗ trợ sự vận chuyển Vitamin C vào tế bào, nên hầu hết các bệnh nhân bệnh đái tháo đường bị thiếu Vitamin C nội bào nếu không được cung cấp Vitamin C liều cao cho dù có được sử dụng chế độ ăn đầy đủ Vitamin C như người bình thường. Bệnh nhân đái tháo đường đơn giản cần nhiều Vitamin C hơn, và Vitamin C liều cao là hoàn toàn cần thiết trong điều trị bệnh đái tháo đường. Liều dùng thông thường trong trường hợp này là 1.000 – 3.000 mg/ngày chia 2 - 3 lần.

Thiếu hụt Vitamin C nội bào âm ỉ, mạn tính dẫn đến hàng loạt vấn đề trong đái tháo đường, như tăng tính thấm thành mạch, giảm sự lành vết thương, tăng cholesterol máu, suy giảm hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, đái tháo đường làm tăng sự hình thành gốc tự do. Vitamin C giúp cơ thể kiểm soát đường, hoạt động của gốc tự do, giảm sự tích tụ sorbitol nội bào, và ức chế sự gắn kết của glucose với protein (sự glycosyl hóa). Sự tích tụ sorbitol và sự glycosyl hóa có liên quan rất nhiều đến các biến chứng của đái tháo đường, nhất là các biến chứng về mắt và thần kinh.

Sorbitol và các biến chứng đái tháo đường

[sửa | sửa mã nguồn]

Sorbitol là một sản phẩm phụ được hình thành trong quá trình chuyển hóa glucose dưới sự hỗ trợ của men aldose reductase. Ở những người không bị đái tháo đường, một khi sorbitol sinh ra sẽ được tiếp tục chuyển hóa thành fructose nhờ men polyol-dehydrogenase. Sự chuyển hóa thành fructose này giúp sorbitol được tống xuất ra khỏi tế bào khi nồng độ tăng cao. Nhưng không may là những bệnh nhân đái tháo đường nồng độ đường huyết tăng cao nên sorbitol tích tụ ngày càng nhiều trong tế bào và đóng vai trò chủ yếu lên sự phát triển các biến chứng. Chúng ta có thể hiểu vai trò đó thông qua việc xem xét sự liên quan giữa sorbitol và sự hình thành đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể mặc dù không có mạch máu nuôi nhưng lại là một mô chuyển hóa tích cực và biến đổi không ngừng suốt cuộc đời. Tăng đường huyết gây tăng tích tụ sorbitol từ glucose. Vì sorbitol hầu như không thấm qua màng thủy tinh thể và thiếu men polyol-dehydrogenase nên sorbitol tích tụ với nồng độ ngày càng cao, và nồng độ này không thuyên giảm ngay cả khi glucose máu về bình thường. Kết quả là nước bị kéo vào trong tế bào trong thủy tinh thể để duy trì sự cân bằng áp suất thẩm thấu. Khi nước bị kéo vào trong, tế bào phải phóng thích nhiều phân tử nhỏ như amino acid, inositol, glutathione, Niacin, Vitamin C, Mg và K để cân bằng áp suất thẩm thấu. Đây là những phân tử bảo vệ thể thủy tinh tránh các tổn thương, thiếu chúng thể thủy tinh trở nên nhạy cảm hơn, các sợi protein mỏng manh bị mất độ trong suốt và đục thủy tinh thể hình thành.

Các thuốc chuyên dùng ức chế tích tụ sorbitol thường có nhiều độc tính. Ngược lại, Vitamin C hết sức an toàn và hữu hiệu trong việc giảm nồng độ sorbitol. Có thể sử dụng Vitamin C liều thấp 100 mg hàng ngày, nhưng thường người ta dùng 1.000 mg/ngày có thể bình thường hóa nồng độ sorbitol trong tế bào hồng cầu, trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi 30 ngày.

Ức chế sự Glycosyl hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự glycosyl hóa là sự gắn kết glucose với protein, dẫn đến những thay đổi về cấu trúc và chức năng của nhiều protein trong cơ thể. Ở bệnh nhân đái tháo đường có sự glycosyl hóa quá mức của albumin và các protein của hồng cầu, của thể thủy tinh và của bao myelin (bao sợi thần kinh). Sự glycosyl hóa này làm biến đổi cấu trúc và chức năng của các tế bào và mô liên quan và góp phần rất lớn vào sự hình thành các biến chứng của đái tháo đường. Ví dụ, các phân tử LDL bị glycosyl hóa (có nồng độ cao trên bệnh nhân đái tháo đường) sẽ không được gắn kết với LDL receptor hoặc ngăn chặn sự tổng hợp cholesterol ở gan. Kết quả bệnh nhân đái tháo đường điển hình bị tăng cholesterol máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch đáng kể.

May thay, Vitamin C liều cao (1 - 3 g/ngày) làm giảm đáng kể sự glycosyl hóa protein (có thể giảm 33% albumin bị glycosyl hóa).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Vitamin C”. Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm (UK). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2006. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2007.
  2. ^ “Vitamin C (Ascorbic Acid)”. Trung tâm y tế Đại học Maryland. tháng 4 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2007.
  3. ^ Higdon, Jane, Ph.D. (ngày 31 tháng 1 năm 2006). “Vitamin C”. Đại học bang Oregon, Trung tâm thông tin vi dinh dưỡng. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2007.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]