Location via proxy:   [ UP ]  
[Report a bug]   [Manage cookies]                
Bước tới nội dung

Zzxjoanw

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục từ trong lần xuất hiện đầu tiên năm 1903.

Zzxjoanw (có thể phiên âm: /ʃɔː/ SHAW) là mục từ trong một bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh, bị coi là hư cấu và từng đánh lừa các nhà từ vựng học suốt nhiều năm. Mục từ này ghi rằng đây là một từ Māori với các nghĩa gồm "trống", "fife"[a] và "kết thúc".

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1903, tác giả Rupert Hughes đã xuất bản The Musical Guide, một bộ bách khoa toàn thư về âm nhạc cổ điển. Trong mục lục của sách có dành riêng một phần cho từ điển "phát âm và định nghĩa các thuật ngữ, nhạc cụ, v.v..". Mục từ điển gồm tất cả 252 trang, giải thích ý nghĩa và đưa ra cách phát âm đúng của các từ tiếng Đức, tiếng Ý và những từ ngoài tiếng Anh khác được tìm thấy trong nhạc cổ điển. Ở phía cuối từ điển, ngay sau từ zymbel (tiếng Đức nghĩa là chũm chọe), Hughes có bổ sung thêm định nghĩa cho từ sau:[1]

zzxjoanw (shaw). Maori. 1. Drum. 2. Fife. 3. Conclusion.

Mục từ đã được giữ lại khi cuốn sách tái bản dưới các tựa đề khác nhau, lần lượt vào hai năm 1912 và 1939.[2][3]

Phân tích và xác định khả năng là trò lừa bịp

[sửa | sửa mã nguồn]

Zzxjoanw đã thu hút sự quan tâm từ các nhà từ vựng học, vừa tò mò lẫn hoài nghi về tính xác thực của nó.[4] Bộ đôi tác giả Helene và Charlton Laird từng đưa từ vào cuốn The Tree of Language (1957) của họ, lưu ý rằng "có lẽ ông Hughes đang có một trò đùa nhỏ của mình, vì mục từ không xuất hiện trong bất kỳ từ điển nào khác mà chúng tôi đã tra cứu".[5] Dmitri Borgmann cũng đưa thuật ngữ trên vào cuốn sách năm 1965 của ông, Language on Vacation: An Olio of Orthographical Oddities, viết:

Sách Music Lovers' Encyclopedia do Rupert Hughes biên soạn và Deems Taylor, Russell Kerr hiệu đính, xuất bản năm 1954 đã giới thiệu cho chúng ta một trong những sự kết hợp chữ cái khó tin nhất, một trong những sự kết hợp chữ cái hấp dẫn nhất từng được ghi nhận, đó là từ: ZZXJOANW. Mục từ gây sự chú ý này linh hoạt đến mức nó không chỉ mang một mà tận ba nghĩa khác nhau: (a) trống; (b) fife; (c) kết thúc. Và từ này có nguồn gốc Maori.[6]

Năm 1974, cuốn Mrs. Byrne's Dictionary of Unusual, Obscure, and Preposterous Words đã đề cập đến sự tồn tại của zzxjoanw. Trong khi chấp nhận nghĩa của từ trên là "trống Māori", tác giả sách bác bỏ cách phát âm "shaw" của Hughes và đề xuất một phiên bản hơi khác là "ziks-jo'an".[7]

Philip M. Cohen là người đầu tiên nghi ngờ zzxjoanw như trò lừa bịp, trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí ngôn ngữ Word Ways năm 1976. Ông đã nhấn mạnh vào mối liên hệ rời rạc giữa lối phát âm từ với chính tả; sự đa dạng về ý nghĩa và một trong những nghĩa của từ đó, "kết thúc", đặt tại nơi kết thúc từ điển này. Ông cũng đưa ra nghi vấn đến nguồn gốc Maori của mục từ, bởi vì "tiếng Maori không có âm tiết đóng hay cụm phụ âm, chứ chưa tính đến kết cấu của "zzxjoanw" nói riêng hay việc bản thân ngôn ngữ nói chung không có âm 's' hay 'sh'. Từ điển Maori hiện có từ định nghĩa cho "trống" và "kết thúc", song chúng không có chút nào giống "zzxjoanw" hay "shaw"".[4] Ross Eckler đã tiếp nhận ý kiến của Cohen trong tác phẩm Making the Alphabet Dance xuất bản năm 1996, suy đoán Hughes có thể đã "tưởng rằng điều này là hiển nhiên nhưng không nghĩ đến sự cả tin của các nhà từ vựng học, vốn luôn nhạy cảm với những từ kỳ quặc được từ điển công nhận như mlecchaqaraqalpaq".[8]

Cuốn sách You Say Tomato: An Amusing and Irreverent Guide to the Most Often Mispronounced Words in the English Language, xuất bản năm 2005 của R. W. Jackson đã xem xét từ theo một hướng nghiêm túc. Trích dẫn từ "nhà từ vựng học phi chính thống nổi tiếng Peter Bowler", zzxjoanw mang ý nghĩa là một chiếc trống Māori; tuy nhiên, sách đã không cung cấp cách phát âm và giải thích rằng "Chúng tôi sẽ để việc đó cho người Maori, mặc dù có thể người xứ Walesngười Ba Lan sẽ đọc được từ này".[9]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Một loại nhạc cụ sáo xuất xứ ở châu Âu vào thời Trung cổ. Fife có hình dạng ngang nhỏ và lỗ khoan hẹp, vì thế đem lại tiếng kêu to và lanh lảnh cho người nghe.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Hughes 1903, tr. 307.
  2. ^ Hughes 1912, tr. 307.
  3. ^ Hughes 1939, tr. 307.
  4. ^ a b Cohen, Philip M. (tháng 11 năm 1976). “What's the Good Word?”. Word Ways. 9 (4): 195–196. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  5. ^ Laird, Helene; Laird, Charlton (1957). The Tree of Language. Cleveland, OH: The World Publishing Company. tr. 220.
  6. ^ Borgmann, Dmitri A. Language on Vacation: An Olio of Orthographical Oddities. New York: Scribner. tr. 143. OCLC 8478220.
  7. ^ Heifetz, Josefa (1974). Mrs. Byrne's Dictionary of Unusual, Obscure, and Preposterous Words. Secaucus, New Jersey: University Books. tr. 237. ISBN 0-8216-0203-9.
  8. ^ Eckler, Ross (1996). Making the Alphabet Dance: Recreational Wordplay. New York: St. Martin's Press. tr. 152. ISBN 0-312-15580-8.
  9. ^ Jackson, R. W. (2005). You Say Tomato. New York: Thunder's Mouth Press. tr. 247. ISBN 1-56025-762-8.